Đài tưởng niệm Khâm Thiên

Bản hùng ca về Điện Biên Phủ trên không

Chỉ một ngày sau khi đến hiện trường đổ nát tại phố Khâm Thiên, Hà Nội 40 năm trước, họa sỹ, nhà điêu khắc Nguyễn Tự đã phác thảo bức tượng Người mẹ để tỏ lòng nhớ ơn những người dân đã bị giặc Mỹ giết hại, và cũng để tạc ghi muôn đời nỗi đau của dân tộc.

Cách đây tròn 40 năm, lúc 22h30 ngày 25.12.1972, khi người dân Hà Nội nô nức đón Noel tại Nhà thờ Lớn, cũng là lúc hàng đàn máy bay B52 của Mỹ gầm rú kinh hoàng trên bầu trời Thủ đô và rải bom thảm sát xuống Khâm Thiên - một trong những khu phố đông dân nhất Hà Nội bấy giờ. Trong nháy mắt, nhà trẻ, trạm y tế, cửa hàng lương thực, đình Tương Thuận và hàng ngàn hộ dân đã bị bom B52 tàn phá thành đống tro tàn. Vệt bom dài hơn 1.000m, rộng 50m đã san phẳng tất cả, suốt dãy phố là đống đổ nát và tiếng kêu gào thảm khốc. Trận bom tàn bạo và dã man mà máy bay B52 của Mỹ trút xuống Khâm Thiên đã giết hại 287 người, làm bị thương 226 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. 178 em bé bỗng chốc trở thành mồ côi. Bom B52 đã hủy diệt toàn bộ 534 ngôi nhà, làm hư hỏng nặng hơn 1.200 ngôi nhà, cơ sở hạ tầng của 17 khối phố bị phá hủy nặng nề.

Ngay sáng hôm sau, ngày 26.12.1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và lãnh đạo Thành phố xuống thị sát và thăm hỏi các gia đình bị nạn, xúc động và đau xót trước những mất mát to lớn của bà con thường dân vô tội, căm giận tội ác tày trời mà máy bay giặc Mỹ đã gây ra tại khu phố Khâm Thiên, khi trở về doanh trại, Đại tướng đã chỉ thị cho Binh chủng Không quân với quyết tâm: “Biến đau thương thành sức mạnh, hãy đánh tốt hơn, bắn nhiều máy bay hơn nữa, để trả thù cho đồng bào Khâm Thiên - Hà Nội”. Và ý chí đó đã trở thành hiện thực, quân và dân Hà Nội đã đánh bại chiến tranh leo thang xâm lược miền Bắc của Đế quốc Mỹ trên mặt trận quân sự và chính trị. Trận Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm bất khuất kiên cường của quân và dân Hà nội đã bắn hạ 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay B52 được mệnh danh là pháo đài bay - điều chưa từng xảy ra với không lực Hoa Kỳ. Với thắng lợi vang dội này, Việt Nam đã buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris, rút quân khỏi miền Nam Việt Nam vô điều kiện.

Mấy ngày sau, đầu năm 1973, để ghi nhận chiến công và sự hy sinh anh dũng của quân và dân khu phố Khâm Thiên, trên nền của 3 ngôi nhà số 47, 49 và 51 bị bom B52 san phẳng, UBND TP Hà Nội đã cho dựng tạm tấm bia bằng cót ép sơn trắng với dòng chữ: Khâm Thiên khắc sâu căm thù giặc Mỹ. Thời đó người dân gọi tắt đây là “Bia căm thù’’. Sau này bia được xây bằng đá trắng, làm nền cho tượng đài.

Chỉ một ngày sau khi đến hiện trường tại phố Khâm Thiên, họa sỹ, nhà điêu khắc Nguyễn Tự đã phác thảo bức tượng Người mẹ để tỏ lòng tưởng nhớ những người dân đã bị giặc Mỹ giết hại, và cũng để tạc ghi muôn đời nỗi đau của dân tộc. Ông tâm sự: “Lòng căm thù giặc, nỗi đau thương vô hạn trào dâng trong trái tim khiến tôi muốn góp phần nhỏ bé bằng sáng tác của mình để các thế hệ sau đừng bao giờ quên sự kiện tàn khốc này”.

Bức phác thảo được họa sỹ Nguyễn Tự lấy ý tưởng từ nguyên mẫu là người mẹ bế đứa con bị sát hại và chị cũng bị chết đứng tại chân cầu thang ngôi nhà số 47 phố Khâm Thiên. Họa sỹ tạo thêm chi tiết là chân bà mẹ đạp lên quả bom chưa nổ, để khắc họa tính anh hùng ca trong nghệ thuật. Sở Văn hóa thông tin Hà Nội lúc đó do ông Nguyễn Bắc làm Giám đốc đã chọn phác thảo bức tượng đất nung Người mẹ của Nguyễn Tự để thi công đặt tại Khu tưởng niệm Khâm Thiên bằng chất liệu ximăng, cao 2m4. Suốt 18 ngày đêm liên tục, họa sỹ Nguyễn Tự cùng cộng sự mới hoàn thành bức tượng đài.

Đến năm 1979, bức tượng được đặt tên là Đài tưởng niệm Khâm Thiên và nhận bằng công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Với truyền thống của dân tộc, ngày lễ hàng tháng, người thân và khách thập phương vẫn tới Đài tưởng niệm thắp hương tri ân, tưởng nhớ những người đã hy sinh tại đây. Nhiều đoàn ngoại giao cũng thường xuyên tới viếng Đài tưởng niệm, trong đó có cả những cựu binh Mỹ đã tham gia không kích trên các phi cơ B52 năm xưa. Nhằm tôn vinh vẻ đẹp và bảo tồn vĩnh cửu công trình Đài tưởng niệm Khâm Thiên, năm 2000, UBND TP Hà Nội quyết định đúc đồng tác phẩm thay thế cho công trình bằng xi măng trước đây.

Năm nay ở tuổi ngoại thất thập, lão họa sỹ Nguyễn Tự bâng khuâng nhớ lại những ký ức chiến tranh và những kỷ niệm ngọt ngào khi cùng đồng nghiệp thi công tác phẩm Đài tưởng niệm Khâm Thiên. Chiến tranh đã đi qua, Đài tưởng niệm Khâm thiên sẽ là lời nhắn nhủ cho thế hệ mai sau về tinh thần quả cảm của người Hà Nội, Thành phố vì Hòa bình.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.