Chủ động triển khai, thực hiện các nhiệm vụ thu ngân sách
Kết thúc năm 2023, tổng thu NSNN của TP. Móng Cái đạt 4.880 tỷ đồng; trong đó thu nội địa đạt 2.285 tỷ đồng. Đây là số thu cao nhất của địa phương từ trước đến nay. Tiếp tục đà tăng trưởng và vận dụng những kinh nghiệm đã có, thành phố bước vào năm 2024 với quyết tâm sẽ hoàn thành số thu NSNN trên địa bàn vượt dự toán tỉnh giao. Từ đó, góp phần vào mục tiêu bứt phá toàn diện trong triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) của địa phương.
Xác định điều này, ngay từ đầu năm, thành phố đã tập trung triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để hoàn thành số thu NSNN trên địa bàn của cả năm vượt dự toán tỉnh giao. Nhất là các giải pháp kết hợp giữa siết chặt kỷ luật tài chính ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu và tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu...

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, BQL Cửa khẩu quốc tế Móng Cái bám sát định hướng của thành phố và của tỉnh, chủ động đề xuất các chính sách về phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu. Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hoạt động tổ chức gặp mặt để nắm bắt tình hình, cùng trao đổi, thống nhất về phương án lưu thông hàng hóa trong tình hình mới; tăng cường sử dụng trang thiết bị hiện đại trong công tác giám sát hàng hóa, phương tiện. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp XNK có trụ sở ở tỉnh ngoài mở chi nhánh trên địa bàn; phối hợp với UBND các xã, phường biên giới để quản lý doanh thu tính thuế...
Nhờ các giải pháp trọng tâm, trọng điểm, trong 4 tháng đầu năm 2024, kết quả thu NSNN trên địa bàn của thành phố đã đạt trên 1.967 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa đạt trên 633 tỷ đồng, đạt 55,1% dự toán tỉnh, 38,3% dự toán thành phố; thu từ ngành hải quan đạt trên 687 tỷ đồng, đạt 42,8% dự toán; thu ngân sách địa phương được hưởng theo tỷ lệ điều tiết đạt trên 337 tỷ đồng, đạt 50,8% dự toán tỉnh, 37,5% dự toán thành phố.
Với thị xã Quảng Yên, năm 2024, thị xã được giao dự toán thu ngân sách trên địa bàn gần 1.270 tỷ đồng. Lũy kế 4 tháng đầu năm, thu NSNN trên địa bàn Quảng Yên đạt gần 477 tỷ đồng, bằng 37% dự toán và tăng 86,9% so với cùng kỳ. Trong đó thu từ thuế, phí đạt trên 362 tỷ đồng, bằng 35% kịch bản thu và tăng gần 84% so với cùng kỳ. Thu tiền đất đạt hơn 114 tỷ đồng, đạt 27,5% kịch bản thu và tăng hơn 97% so với cùng kỳ. Mặc dù việc thu ngân sách những tháng đầu năm thường khó khăn hơn những tháng cuối năm nhưng với việc triển khai nghiêm túc 7 kế hoạch của UBND tỉnh về quản lý thu ngân sách, tổng thu NSNN trên địa bàn 4 tháng đã tăng 4,3% so với tốc độ thu bình quân và tăng 3,6% so với kịch bản thu đã đặt ra đầu năm.

Tại Cục Hải quan Quảng Ninh, thực hiện nhiệm vụ thu trên 13.000 tỷ đồng NSNN được giao, đơn vị đã yêu cầu các Chi cục, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh CCHC, hiện đại hóa hải quan, thu hút doanh nghiệp để tăng thu ngân sách song song với quyết liệt thực hiện các giải pháp chống thất thu. Với nhiều giải pháp tích cực, dự kiến 6 tháng đầu năm, Cục Hải quan tỉnh đạt số thu ngân sách trên 9.400 tỷ đồng, bằng 76% dự toán được giao, bằng 121% so với cùng kỳ.

Đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo đảm thu ngân sách địa phương, Cục Hải quan tỉnh xác định tiếp tục quyết liệt triển khai kịch bản thu ngân sách từ nay đến hết năm 2024. Trong đó, rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng để khai thác tăng thu; chống thất thu. Phối hợp với các ngành chức năng tại cửa khẩu triển khai hiệu quả các giải pháp thu hút doanh nghiệp, tăng lượng hàng làm thủ tục qua địa bàn, đẩy nhanh tốc độ thông quan, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở. Kiện toàn và nâng cao chất lượng Tổ quản lý, tăng thu để hướng dẫn, giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan. Chủ động nghiên cứu đề xuất với các cấp có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK của các doanh nghiệp.
Quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng
Báo cáo tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự toán NSNN 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của Ban chỉ đạo tăng cường điều hành ngân sách tỉnh mới đây, Sở Tài chính Quảng Ninh cho biết: tổng thu NSNN thực hiện 5 tháng đạt gần 23.900 tỷ đồng; ước thực hiện 6 tháng đạt trên 30.700 tỷ đồng, bằng 58% dự toán Trung ương giao, bằng 55% dự toán tỉnh giao, tăng 5% so với kịch bản 6 tháng và tăng 6% so với cùng kỳ. Các khoản thu tính vào GRDP là trên 14.500 tỷ đồng, bằng 60% kịch bản đầu năm, tăng 10% so với cùng kỳ. Trong đó, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 6 tháng đạt 9.400 tỷ đồng, bằng 76% dự toán Trung ương giao, tăng 19% kịch bản 6 tháng và tăng 21% cùng kỳ; thu nội địa ước thực hiện 6 tháng đạt trên 21.300 tỷ đồng, bằng 52% dự toán Trung ương giao, bằng 50% dự toán tỉnh giao, bằng 100% kịch bản 6 tháng.

Đối với tổng chi ngân sách địa phương thực hiện 5 tháng đạt gần 6.400 tỷ đồng, ước thực hiện 6 tháng đạt trên 11.700 tỷ đồng, bằng 40% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 6 tháng đạt 5.400 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch vốn, bằng 151% cùng kỳ. Theo đại diện Sở Tài chính Quảng Ninh, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp phục hồi, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; du lịch, dịch vụ, kéo theo số khoản thu cao.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024, với những tháng còn lại của năm, các cơ quan, đơn vị được giao kế hoạch thu cần tập trung thu các khoản thu có tiến độ tốt (thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thu từ khu vực ngoài quốc doanh; thuế thu nhập cá nhân; các loại phí, lệ phí); đẩy mạnh thu từ ngành than sau khi giá than được điều chỉnh, duy trì vai trò là khoản thu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu nội địa.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát toàn bộ nguồn thu phát sinh, số thuế còn được gia hạn, nắm chắc đối tượng nộp ngân sách trên địa bàn, lĩnh vực để có giải pháp quản lý thu phù hợp, hiệu quả, khai thác các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng; kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế, quyết toán thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác vào NSNN. Đồng thời, đôn đốc thu đối với số thuế được gia hạn đến hạn phải nộp, các khoản nợ đọng thuế, có biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp còn nợ thuế và các khoản nghĩa vụ tài chính với NSNN; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế cho người dân, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo các nghị quyết, chương trình của Trung ương và địa phương.