Việt Nam sở hữu kho tài liệu, dữ liệu vô giá về văn hóa nghệ thuật, nhưng cần có cơ chế hỗ trợ để phát huy tối đa tiềm năng đó cho hiện tại và tương lai.
Tạo bản sắc riêng
Năm 2014, tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 3, Bộ lịch diều Huế của Nguyễn Quang Huy gây ấn tượng mạnh vì thiết kế lấy chất liệu dân gian là những cánh diều Huế truyền thống. Mỗi tờ lịch như hàm chứa sự mô phỏng những nét khắc họa từ nghệ thuật thủ công, thể hiện bằng góc nhìn thanh lịch và sắc màu phá cách, tôn lên sự tinh tế của hình tượng được biểu hiện và tính độc đáo của thiết kế. Năm 2020, ngành đồ họa tiếp tục đem đến trải nghiệm thú vị với bộ phim ngắn “Bà ơi” của Phan Thị Như Loan. Từng chi tiết hình ảnh được trau chuốt, mang hơi thở đời sống Việt thường ngày. Gần đây, đồ án “Đam Dong một huyền thoại” của tác giả Ngô Minh Quý kết hợp chất liệu Tây Nguyên đại ngàn với kỹ thuật thiết kế hiện đại.
Ba dẫn chứng trong lĩnh vực đồ họa được TS. Phạm Phương Linh, Phó Trưởng khoa Thiết kế đồ họa, Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, nêu tại hội thảo “Công nghiệp sáng tạo: Quá khứ, hiện tại, tương lai”, do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI), Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây. Có thể thấy, vài năm gần đây, nhiều nhà thiết kế trẻ đã quan tâm, kế thừa và phát huy kinh nghiệm, sáng tạo từ xa xưa, tạo nét riêng cho tác phẩm. Cùng với định hướng về những thiết kế mang bản sắc dân tộc, những tác phẩm, sản phẩm thiết kế đồ họa của Việt Nam đang hướng đến mục tiêu đồng hành với sản phẩm thuộc các lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Theo TS. Phạm Phương Linh, dù đã có một số ít sản phẩm thiết kế mang bản sắc quốc gia đạt được thành công ban đầu nhưng xét một cách tổng quát, các hoạt động như vậy còn hạn chế về cả số lượng và chất lượng. Khối ngành thiết kế đồ họa chưa nhiều tác phẩm mang bản sắc riêng, chưa thể tạo nên thương hiệu quốc gia hay giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. “Thiết kế đồ họa của các quốc gia hùng mạnh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã được các thế hệ nghệ sĩ tạo nên giá trị bản sắc riêng. Còn chúng ta mãi vẫn chưa thể tạo ra trào lưu về thiết kế đồ họa về đặc trưng của đất nước Việt Nam nghìn năm văn hiến. Trên mặt bằng chung, thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo cần tạo ra nhiều giá trị mới từ việc nghiên cứu nền tảng văn hóa của các dân tộc Việt Nam vốn đồ sộ và rải rác trên khắp các lĩnh vực”.
Thúc đẩy giá trị nền tảng
Hiện nay, hoạt động sáng tạo là một trong những yếu tố quyết định sự tăng trưởng bứt phá của nền kinh tế mỗi quốc gia, mà trong đó, công nghiệp sáng tạo là trái tim của nền kinh tế sáng tạo. Ông Thierry Vergon, Tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp, Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội, cho rằng, Việt Nam cần có định hướng mang tính chiến lược để khai thác những thế mạnh tiềm năng của ngành công nghiệp sáng tạo. Mặc dù rất nhiều lợi thế về di sản vật thể và phi vật thể, về sức sáng tạo của con người, nhưng để khai thác tốt điều đó, Việt Nam cần khắc phục các hạn chế thuộc về nền tảng hỗ trợ phát triển công nghiệp sáng tạo.
Ông Thierry Vergon phân tích, Pháp cũng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về hướng phát triển ngành công nghiệp sáng tạo, và đang nỗ lực mang các dự án phát triển văn hóa, không gian sáng tạo như chương trình nghệ thuật, triển lãm nhiếp ảnh, điện ảnh, mỹ thuật... nhằm đưa văn hóa, nghệ thuật sáng tạo đến công chúng quốc tế. Những dự án đó luôn song hành giữa gìn giữ và đổi mới, trong bối cảnh có sự đồng hành, hỗ trợ quan trọng của Nhà nước trực tiếp hay gián tiếp. Nhìn sang Việt Nam, dù lợi thế tương đương nhưng thực tế đang thiếu chính sách hỗ trợ, thúc đẩy một cách rõ ràng.
Từ góc độ mỹ thuật, bà Đào Mai Trang, tác giả cuốn sách “Họa sĩ Khóa kháng chiến” chỉ ra, chính sách cho việc dữ liệu hóa liên quan đến lịch sử, truyền thống văn hóa, việc sử dụng nguồn dữ liệu này như một tiện ích và dịch vụ hỗ trợ cho sự phát triển hiện tại và tương lai của công nghiệp sáng tạo ở Việt Nam là rất cần thiết. Việt Nam có mạng lưới dày đặc các bảo tàng, viện nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật, trong đó đều có các bộ phận nghiên cứu, sưu tầm, dữ liệu hóa các nguồn tài liệu. Tuy nhiên, thực tế do bối cảnh xã hội, các nguồn dữ liệu trong địa phương và tư nhân còn rất nhiều mà chưa có cách thức tiếp cận khai thác tốt.
“Tôi thực hiện công trình khảo cứu cho cuốn ‘Họa sĩ Khóa kháng chiến’ mất hơn 2 năm. Khi tiếp cận nguồn tài liệu từ viện mỹ thuật hay bảo tàng, chúng rất tản mác, lượng tài liệu có thể mua hoặc xin hỗ trợ từ đấy chỉ khoảng 5%, còn lại đến 95% là tài liệu thông qua các chuyến điền dã và thu lượm từ gia đình họa sĩ, từ hàng trăm phỏng vấn, cả những trao đổi với các tổ chức nghiên cứu, lưu trữ tài liệu ở nước ngoài. Thực tế, Việt Nam vốn sở hữu nguồn tài liệu, dữ liệu vô giá về văn hóa nghệ thuật, song chưa có được cơ chế để phát huy tối đa tiềm năng đó”, bà Đào Mai Trang nói.