Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thu Hồng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lâm Thị Hương Thành; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nghiêm Xuân Hưởng chủ tọa và điều hành kỳ họp.
Dự kỳ họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Thái; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Leo Thị Lịch…
Thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thu Hồng nhấn mạnh: tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, đề nghị các đại biểu HĐND tỉnh nghiên cứu thật kỹ, thấu đáo các báo cáo, tờ trình của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh; tập trung thảo luận, phân tích sâu sắc bối cảnh, đặc điểm tình hình của năm 2022, nhận rõ những kết quả và bài học đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, khó khăn, vướng mắc phải tháo gỡ, những thách thức phải vượt qua; tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan và đúc kết những bài học có giá trị thực tiễn. Trên cơ sở nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân; dự báo chính xác tình hình trong thời gian tới để xem xét, quyết định các mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH, tài chính, ngân sách, đầu tư công cho năm 2023…
Đồng thời, nêu cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện, nhất là đối với các chính sách lớn, các vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng cao nhất khi xem xét, đồng thuận cao khi quyết nghị, tạo thuận lợi trong tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết từ cơ sở và trong Nhân dân.
Đối với hoạt động chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thu Hồng yêu cầu các “tư lệnh ngành” nhìn nhận trách nhiệm cũng như đưa ra các giải pháp khả thi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành mình hiệu quả, thực chất hơn. Các đại biểu HĐND tỉnh thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng và bám sát các nhóm vấn đề; các thành viên UBND tỉnh trả lời thẳng thắn về kết quả đạt được, những khó khăn, phức tạp, tồn tại, hạn chế, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh các dự thảo nghị quyết, chính sách ban hành tại kỳ họp lần này tập trung nhiều vào lĩnh vực tài chính - ngân sách, văn hóa - xã hội, đều là các chính sách có tác động sâu rộng tới phát triển KT-XH và người dân. Do đó, các đại biểu HĐND tỉnh cần thảo luận kỹ lưỡng, thấu đáo trước khi quyết nghị thông qua, bảo đảm nghị quyết sau khi ban hành có tính khả thi cao, góp phần thúc đẩy sự phát triển, tiến bộ, công bằng xã hội trong thời gian tới.
Dự kiến 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành, hoàn thành vượt mức kế hoạch
Trình bày Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn nhấn mạnh: năm 2022, dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; song với sự thống nhất cao trong lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh; sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt khó của Nhân dân cùng cộng đồng doanh nghiệp, Bắc Giang đã nhanh chóng vượt qua khó khăn, tận dụng tốt các cơ hội để bứt phá. KT-XH của tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Nhiều chỉ tiêu chủ yếu cao hơn bình quân chung của cả nước. Tăng trưởng kinh tế toàn diện trên các lĩnh vực và các địa phương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Dự kiến 17/18 chỉ tiêu chủ yếu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra.
Kinh tế của tỉnh duy trì đà phục hồi mạnh mẽ trong điều kiện khó khăn; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 19,3% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ước đạt 29,5%, tăng 3% so với năm 2021.
Sản xuất công nghiệp duy trì đà phục hồi mạnh, tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm ước tăng 30%. Giá trị sản xuất (GTSX) công nghiệp cả năm ước đạt 407.928 tỷ đồng, vượt 11,3% kế hoạch. Khu vực DN FDI ngày càng đóng vai trò dẫn dắt các khu vực sản xuất công nghiệp của tỉnh; GTSX khu vực này đạt hơn 358,3 nghìn tỷ đồng (tăng 38% so với năm 2021); chiếm tỷ trọng 87,9% GTSX công nghiệp toàn tỉnh (tăng 1,8%); GTSX khu vực DN ngoài nhà nước đạt 40,4 nghìn tỷ đồng (tăng 18,8%), chiếm tỷ trọng 9,9% (giảm 1,4%); khu vực DN nhà nước đạt 9,1 nghìn tỷ đồng (tăng 16,7%), chiếm tỷ trọng 2,2% (giảm 0,4%). Tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở các địa phương đều có mức tăng trên 10%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản duy trì tăng trưởng. Các hoạt động dịch vụ phục hồi và phát triển tích cực nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh. GTSX toàn ngành tăng 9,1%; GTSX đạt 47.525 tỷ đồng, vượt 3% kế hoạch. Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của các DN duy trì xu hướng tăng trưởng cao; tổng giá trị xuất, nhập khẩu cả năm ước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021, vượt 16% kế hoạch; trong đó xuất khẩu đạt 22,6 tỷ USD, tăng 42,4%; nhập khẩu 21,1 tỷ USD, tăng 38,1%.
Công tác thu ngân sách được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá tích cực, trong đó nổi bật là thu hút các dự án trong nước và dự án FDI điều chỉnh tăng vốn. Tính đến 30.11.2022, toàn tỉnh đã thu hút được trên 1,3 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước.
Công tác phát triển văn hóa được quan tâm, chú trọng hơn. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao mang tầm quốc gia, quốc tế được chức thành công đã góp phần nâng cao vị thế và uy tín của tỉnh. Chất lượng giáo dục, y tế được duy trì; an sinh xã hội được đảm bảo. Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả. Bắc Giang nằm trong nhóm các tỉnh, thành có tỷ lệ bao phủ vắc xin Covid-19 đạt cao nhất trong toàn quốc. Công tác chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính đạt nhiều kết quả nổi bật. Chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp có nhiều đổi mới, sáng tạo, năng động và hiệu quả hơn; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài được giải quyết; các vụ việc phát sinh được ứng phó kịp thời.
Theo chương trình, kỳ họp dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, từ ngày 7- 9.12.