Cấp bách và quan trọng
Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, dân số nước ta đến nay đã đạt tới 98,7 triệu người, trong đó người cao tuổi chiếm tới gần 12% dân số, dự báo đến năm 2025 sẽ lên tới 17,9 và đến giữa thế kỷ 21 là khoảng 23,5%. Hiện nay, tuổi thọ bình quân của người Việt Nam là 74,4. Tuy nhiên, theo đánh giá hiện tại có tới 60% người cao tuổi sức khỏe yếu và có tỷ lệ khá lớn rất yếu, trung bình mang từ 3 - 6 bệnh nền, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Hơn nữa, người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng rất cần được quan tâm đúng mức.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, lớp người cao tuổi hiện nay đều có nhiều đóng góp to lớn trong các cuộc kháng chiến cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, vì vậy đây là đối tượng rất cần được tri ân, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc sức khỏe để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, tiếp tục cống hiến cho cộng đồng và xã hội.
TS. Bùi Sỹ Lợi đánh giá, Diễn đàn là dịp nâng cao nhận thức, trách nhiệm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đề ra các giải pháp, mô hình đã và đang triển khai tại cơ sở. Sự đòi hỏi của các tổ chức chính trị xã hội và huy động cả hệ thống chính trị tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Khơi thông cơ chế chính sách
Nói về chính sách để phát triển các mô hình chăm sóc người cao tuổi trong cộng đồng, TS. Bùi Sỹ Lợi cho rằng, phát triển kinh tế - xã hội tạo tiền đề vững chắc cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng, ngược lại, chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt lại góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Vì vậy, cần phải nhấn mạnh, đầu tư cho chăm sóc sức khỏe phải là một nhiệm vụ cơ bản, là động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Sức khỏe là vốn quý của mỗi con người và toàn xã hội, do đó, dịch vụ y tế công do Nhà nước cung cấp, là dịch vụ xã hội đặc biệt, không vì mục tiêu lợi nhuận, đầu tư cho y tế là đầu tư cho phát triển.
Thực tế, thời gian qua, Đảng và Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề này, thể hiện rõ trong Nghị quyết BCHTW số 46-NQ/TW, ngày 23.2.2005 và gần đây là Nghị quyết BCHTW số 20-NQ/TW, ngày 25.10.2017 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đều xác định: Bảo vệ, Chăm sóc và Nâng cao Sức khỏe như một quyền lợi, nghĩa vụ của mọi người, gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu 100% cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư ngân sách cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào năm 2025 và duy trì đến năm 2030; người cao tuổi hoặc người thân trực tiếp chăm sóc người cao tuổi biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi đạt 70% năm 2025, 85% năm 2030.
Để thúc đẩy hệ thống và môi trường thân thiện với người cao tuổi, TS. Bùi Sỹ Lợi cũng đưa ra 6 giải pháp chiến lược. Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hai là, nâng cao năng lực cho các bệnh viện (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) thực hiện khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cho tuyến dưới. Ba là, tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe cho người cao tuổi. Bốn là, xây dựng, phát triển mạng lưới tình nguyện viên tham gia các hoạt động theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lấy nhiễm tại gia đình cho người cao tuổi cũng như các câu lạc bộ chăm sóc người cao tuổi. Năm là, huy động sự tham gia của cộng đồng tham gia thực hiện chương trình, đầu tư, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi phù hợp. Và cuối cùng, cần bố trí các chương trình, dự án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi vào chương trình, dự án đầu tư công.
“Người cao tuổi là nguồn lực vô giá với nhiều kinh nghiệm sống và nguồn tri thức vô tận. Vì vậy, Đảng, Nhà nước và nhân dân phải quan tâm chăm lo sức khỏe và đời sống vật chất và tinh thần cũng như phát huy tối đa vai trò của người cao tuổi. Đó vừa là trách nhiệm đối với người cao tuổi, những người đã có những đóng góp cho gia đình, xã hội đồng thời cũng là quyền lợi của bản thân mỗi người khi bước vào giai đoạn phát triển cuối của con người”, TS. Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh.