Họa sĩ Lê Thanh Bình cho biết, triển lãm là một chuyến du ngoạn diệu kỳ, ngày mai xuất phát sớm và trở về hôm qua. Dưới góc nhìn siêu thực, ký ức trở nên khác biệt với hoàn cảnh nhưng lại rất thật, thật đến không tưởng. “Một hình ảnh, một âm thanh, một vệt màu cũng đủ để mang ký ức quay trở lại...”.
Họa sĩ Lê Thanh Bình chia sẻ, hội họa nói chung và hội họa sơn dầu nói riêng được người Pháp du nhập vào Việt Nam cách đây chưa đầy một thế kỷ. Tuy nhiên, trước đó sơn dầu đã rất thịnh hành tại châu Âu, với năng lực vô hạn trong việc diễn tả hiện thực bằng tranh.
“Tôi vẽ theo phương pháp cổ điển, nghĩa là không thể vẽ nhanh và luôn muốn vẽ khổ lớn, bởi sơn dầu và phương pháp cổ điển cùng với khổ canvas lớn là động lực lôi cuốn tôi ra ngoài “chiếc hộp năng lực sáng tạo bản thân” mà trải nghiệm tự do".
Xem tranh tại triển lãm, họa sĩ Lê Thế Anh nhận xét: “Tranh của Bình bung tỏa đến mức choáng ngợp bên cạnh những đối tượng thân thuộc, có tính nhỏ nhoi. Cách đặt cạnh nhau song hành như thế khiến ý đồ nghệ thuật, nội dung tư tưởng… mà họa sĩ đề cập trở nên thuyết phục, nhuần nhuyễn và không kém phần hoành tráng. Vì vậy, hội họa của Lê Thanh Bình là sự trọn vẹn của vẻ đẹp hình thức và tính sâu sắc của nội dung”.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Vũ Huy Thông, không gian hội họa của Lê Thanh Bình có thể cảm nhận sự hiện diện vô hình của thời gian qua tương phản của không gian xa hút và các mô típ hình thể lơ lửng cận cảnh. Sự có mặt, hay nói cách khác, dấu ấn của thời gian còn hiện diện ở thế giới đồ vật đã trở thành xưa cũ như thúng mẹt, cơi trầu, đèn dầu, chiếu hoa, cổng làng… Ngoài ký ức chung, tính tập thể đó, tranh của Lê Thanh Bình còn chứa những câu chuyện riêng, khiêm nhường nhưng nhiều khát vọng như cá tính nghiêm túc, tình cảm kín đáo của nghệ sĩ.