Người làm muối còn nhiều khó khăn
Tỉnh Cà Mau có 168ha sản xuất muối với 68 hộ tham gia, chủ yếu tập trung trên địa bàn ấp Lưu Hoa Thanh, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi với năng suất hơn 70 tấn/ha/năm, sản lượng 12.600 tấn mỗi năm.
Diêm dân nơi đây bắt đầu vụ muối từ tháng 11 đến tháng 4 âm lịch hàng năm và chủ yếu sản xuất thủ công nên phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố tự nhiên. Không giống ngành nghề khác - thất bát vụ này có thể chuyển đổi hoặc luân canh để cải thiện thu nhập, đất đã làm ruộng muối thì không thể nuôi trồng được gì do nhiễm mặn cao. Bởi vậy, năm nào thời tiết thất thường thì năm đó diêm dân rất vất vả. Hơn nữa, kho bảo quản muối của người dân phần lớn làm tạm bợ bằng cây nên vào mùa mưa bão sản lượng, chất lượng muối hao hụt khá nhiều. Đến nay, hầu hết hộ dân trên đồng muối chưa áp dụng cơ giới hóa đồng bộ.
Hợp tác xã sản xuất muối Tân Thuận hiện có 8 thành viên. Ông Lý Văn Đẳng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, do mới thành lập vào tháng 9.2020 nên hợp tác xã hoạt động chưa được ổn định, chủ yếu làm đầu mối thu gom, tìm kiếm thị trường và ký kết hợp đồng với các công ty, xí nghiệp kinh doanh. Những năm trước, mỗi ký muối giá bán từ 1.000 - 1.500 đồng/kg, đời sống người dân tạm ổn. Năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa trái mùa xuất hiện liên tiếp lại đúng vào thời điểm ruộng muối đang chuẩn bị kết tinh nên bà con thiệt hại hoàn toàn, không còn đủ thời gian để khắc phục lại vụ muối.
Liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị
Tuy sản xuất muối không phải là thế mạnh của tỉnh nhưng thời gian qua lãnh đạo Cà Mau luôn quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho nghề này với quan điểm: phát triển ngành muối phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của cả nước nói chung và của Cà Mau nói riêng, gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho diêm dân và người lao động.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phan Hoàng Vũ cho biết, tỉnh đã có kế hoạch phát triển sản xuất muối trên cơ sở khai thác và phát huy các lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn nước biển, khí hậu, thời tiết theo hướng sản xuất tập trung, gắn sản xuất với chế biến theo quy hoạch phát triển ngành muối. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các cơ quan liên quan đã lên chương trình hướng dẫn diêm dân tập trung đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, tiên tiến để mở rộng diện tích muối công nghiệp, muối sạch nhằm nâng cao năng suất, chất lượng muối, tạo ra sản phẩm muối có tính cạnh tranh cao, phục vụ tốt cho tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm, công nghiệp hóa chất và tăng dần lượng xuất khẩu.
Cùng với đó, cải tạo và sản xuất đúng thời vụ để sản lượng muối năm sau cao hơn năm trước. Mục tiêu là đến năm 2025 đạt 75 tấn muối/ha/năm trở lên, toàn tỉnh có tổng diện tích sản xuất muối đạt 170ha, sản lượng đạt 17.000 tấn. Giai đoạn 2026 - 2030, khuyến khích diêm dân chuyển từ làm muối thủ công sang sản xuất muối kết tinh trên nền trải bạt.
Để đạt được các mục tiêu trên, Cà Mau đã xây dựng mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, diêm dân; hỗ trợ ngân sách cho hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã, tổ hợp tác mua công cụ, máy cơ khí, thiết bị và vật tư thiết yếu; hỗ trợ 100% chi phí tập huấn, đào tạo theo mô hình cho diêm dân. Đồng thời, hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, 50% tổng mức kinh phí đầu tư mới cần thiết để thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến muối... Tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ lãi suất vay cho các tổ chức, cá nhân thực hiện cơ giới hóa đồng bộ, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm nhằm cung cấp đủ muối công nghiệp cho sản xuất hóa chất, chế biến muối tinh, tiến tới giảm dần nhập khẩu.