VIỆT SỬ GIAI THOẠI: Điện súy Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão

Phạm Ngũ Lão (1255–1320), người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào (nay thuộc tỉnh Hải Dương) là một trong những danh tướng của nước ta thời Trần (1225–1400). Ông xuất thân từ một gia đình nông dân, lúc nhỏ đã nổi danh là người giàu ý chí và ham học, sau được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nuôi làm gia khách, lại đem người con gái nuôi là Nguyên Công chúa gả cho.

Phạm Ngũ Lão là người có nhiều công lao to lớn trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287–1288) dưới thời Trần. Sinh thời, ông được triều đình tin cậy, giao trọng trách chỉ huy quân Cấm Vệ, sau phong đến chức Điện Suý Thượng tướng quân, khi mất, được phong làm Phúc Thần và triều đình đã lập miếu thờ ngay nơi ông ở. Sách Tang thương ngẫu lục có đoạn chép về ông như sau:

“Ông mặt mũi khôi ngô, tài kiêm văn võ. Nhà ông ở sát đường cái nên thường ngày ông vẫn ra ngồi xếp bằng ở đó để vót nan, đan lát. Một hôm, ông đang ngồi bên đường như thế thì Hưng Đạo Vương từ Vạn Kiếp về kinh đô đi quang qua. Lính đi trước thấy ông thì quát đuổi, nhưng ông vẫn ngồi im không đứng dậy. Quân lính lấy mũi giáo dí vào đùi, ông vẫn cứ ngồi điềm nhiên. Đến khi xe của Hưng Đạo Vương đến, ngài rất lấy làm lạ, hỏi thì ông thưa rằng:

– Tôi đang mải nghĩ việc nên không để ý.

Hưng Đạo Vương nghe thế, càng lấy làm lạ hơn, hỏi qua sức học thì thấy ông làu thông kinh, truyện và binh thư, ứng đáp rất trôi chảy. Ngài sai lấy thuốc xức vào chỗ ông bị đâm, rồi cho lên ngồi ở xe sau và đem về kinh. Về kinh đô, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tiến cử ông lên triều đình, xin cho ông cai quản quân Cấm Vệ. Vệ sỹ thấy thế thì không phục, bèn tâu xin được cùng ông thử sức. Ông bằng lòng, nhưng trước khi vào đấu sức, ông xin được về quê ba tháng. Về quê nhà, ngày nào ông cũng ra cái gò lớn ngoài đồng, đứng cách một tầm mà nhảy lên đá, nhảy và đá mãi cho đến khi cái gò bị sạt mất một nửa. Hết hạn, ông liền trở về cấm thành, cùng bọn vệ sỹ so tài. Thấy ông tiến thoái như bay, tay đấm chân đá vùn vụt, xem ra sức có thể địch nổi ngàn người, ai cũng phải phục tài.

Bấy giờ, tù trưởng xứ Ai Lao đem cả ngàn con voi sang cướp phá hai trấn Hoan và Diễn (vùng Nghệ An ngày nay – NKT), kỵ binh và bộ binh của ta tan vỡ, bỏ chạy. Triều đình sai ông đi đánh. Ông truyền cho hết thảy dân các làng ở xứ này, phải chặt những khúc tre to và chắc, dài độ năm sáu thước, chất thành đống và để sẵn ở đấy. Gặp giặc, ông ra lệnh cho quân dừng lại, còn mình ông thì lấy những khúc tre ấy mà đánh thật mạnh vào chân voi. Voi đau quá, kêu rống lên rồi bỏ chạy tán loạn, quân Ai Lao vì thế mà thua, nhân ban đêm rút về hết”.

Lời bàn: Mải mê nghĩ việc mà chăm chú đến nỗi bị quân lính lấy mũi giáo dí vào đùi vẫn không hay, sự lạ này đã cắt nghĩa rất rõ ràng rằng Phạm Ngũ Lão thông minh mẫn tuệ hơn người, cho nên, bảo các bậc biết quý đấng hiền tài như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không mời lên xe để đưa về kinh đô làm sao được?

Trách các vệ sỹ lúc bấy giờ chỉ là đám võ biền cạn nghĩ, kể cũng không nên, bởi vì nếu chẳng vậy, chính họ đã chiếm giữ địa vị của Phạm Ngũ Lão từ trước rồi. Phạm Ngũ Lão chấp nhận lời thách đấu của họ, ngoài việc bảo vệ danh dự của riêng mình, đó còn là việc nghiêm khắc tự thẩm định năng lực của chính bản thân ông. Xin về quê ba tháng để tập luyện, việc ngỡ như là bé nhỏ đó đã thực sự nói với ngàn sau lời vàng ngọc rằng: Hễ ai muốn thành công thì người đó phải luôn luôn giàu lòng tự tin nhưng quyết không được tự phụ.

Ông là một bậc danh tướng, từng làm cho giặc Nguyên khét tiếng tàn bạo và thiện chiến phải khiếp đảm, cho nên, chuyện ông đánh cho voi của tù trưởng Ai Lao đau đến nỗi phải kêu rống lên mà chạy, suy cho cùng cũng chẳng có gì là lạ. Song lẽ, tướng quân ấy trước lúc ra trận đã biết dựa vào dân, điều tưởng chừng như rất bình thường này lại chính là điều có ý nghĩa rất lớn lao, bất cứ ai mà quên cũng đều chuốc lấy thảm bại, cổ kim chưa từng có một ngoại lệ nào.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.