Cái nôi của nghề tạc tượng
Chúng tôi đến Bảo Hà khi mặt trời đã đứng bóng. Nơi đây, những lò tượng quanh các ngõ xóm vẫn phát ra tiếng đục đẽo chan chát. Trò chuyện cùng ông Đỗ Văn Mẵng - một nghệ nhân của làng Bảo Hà, chúng tôi được chia sẻ nhiều điều.
Nghề điêu khắc gỗ và sơn mài Bảo Hà có từ lâu đời và Bảo Hà được coi là cái nôi của nghề tạc tượng. Các bậc cao niên trong làng kể lại, vào khoảng thế kỷ XV, cụ Nguyễn Công Huệ đã “khai sinh” ra nghề tạc tượng nơi đây. Tên tuổi của cụ cũng gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của nghề tạc tượng ở Bảo Hà. Hiện nay, tại miếu Cả ở làng Bảo Hà vẫn còn lưu giữ bức tượng chân dung cụ Nguyễn Công Huệ mà tương truyền là do chính tay cụ tạc.
Vào thời kỳ giặc Minh xâm lược nước ta, chúng đã bắt những người tài giỏi đưa về nước phục dịch, xây dựng lăng tẩm, đền đài cho triều đình. Thời đó, ở Bảo Hà có thanh niên Nguyễn Công Huệ, từ nhỏ đã theo cha làm nghề điêu khắc gỗ nên có biệt tài tạo hình: từ những gốc cây tre xù xì gai góc, đẽo thành hình rồng phượng; từ củ bắp, củ chuối, gốc sắn, xơ mướp, gáo dừa... uốn gọt thành ông Phật, ông Bụt. Cũng bởi tài hoa vang danh khắp chốn mà Nguyễn Công Huệ đã phải sang làm khổ sai nơi đất khách.
Trong thời gian phục vụ triều đình Trung Quốc, tay nghề chạm khắc gỗ của Nguyễn Công Huệ đạt đến đỉnh cao. Không những vậy ông còn học được nghề sơn mài. Sau 10 năm khổ ải nơi xứ người, ông trở về quê hương Bảo Hà. Thấy cảnh quê mình xơ xác, tiêu điều sau bao năm chịu họa xâm lăng, ông đã mở lớp dạy nghề điêu khắc, sơn mài cho con cháu, dân làng.
Ông Mẵng tâm sự: “Nhờ cụ Nguyễn Công Huệ truyền dạy mà người làng Bảo Hà mới có được những nhát đục tài hoa, mang đậm tính nghệ thuật đến vậy. Để ghi nhớ công ơn, các phường thợ và nhân dân đã tôn cụ Nguyễn Công Huệ là cụ tổ nghề và lập lầu thờ. Lầu tổ sư đã được các học trò treo bức hoành phi với 3 chữa Hán “Bách thế sư”, nghĩa là thầy của muôn đời, và chọn năm 1427 là năm phát tổ”.
Tiếp thu, duy trì và phát huy những tinh hoa mà cụ tổ nghề Nguyễn Công Huệ để lại, hậu duệ của cụ dưới các vương triều phong kiến, các nghệ nhân như Tô Phú Vượng được phong danh hiệu “Hoàng tín đại phu kỳ tài hầu”, nghệ nhân Tô Phú Luật được sắc phong “Diệu Nghệ Bá”, Hoàng Đình Úc được ban chức “Phụng thi tạc tượng cục, chuyên lưu ứng vụ, cục phó nam tước” tiếp tục làm rạng danh tên tuổi làng nghề Bảo Hà.
Đưa làng nghề thành điểm du lịch
Ngày nay, đến Bảo Hà, chúng ta vẫn được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân chế tác những sản phẩm đã rất nổi tiếng như hoành phi, câu đối, tượng thờ, cuốn thư, đại tự... Nghề điêu khắc, sơn mài ở Bảo Hà đã trở nên nổi tiếng khắp nơi và trở thành nghề cổ truyền độc đáo. “Tạc tượng không thể làm ẩu được, mà đòi hỏi rất nhiều công sức, từ khúc gỗ mít, sau khi đã vạt đi phần rác chỉ lấy phần lõi, người thợ phải đục đi đục lại, chỉnh sửa rất công phu mới tạc thành bức tượng”, ông Mẵng thổ lộ.
Theo ông Nguyễn Văn Điềm, cán bộ phụ trách làng nghề xã Đồng Minh, những năm trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, thợ điêu khắc, sơn mài thường bôn ba khắp nơi kiếm sống. Năm 2000, thực hiện chủ trương khôi phục và phát triển làng nghề, Hợp tác xã Thủ công nghiệp Đồng Minh được thành lập với sự hỗ trợ kinh phí của UBND TP Hải Phòng để xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất... Hiện Bảo Hà có 973 hộ thì 184 hộ chuyên nghề, khoảng gần hai chục cơ sở sản xuất tập trung.
Không những vậy, từ năm 2005, làng nghề tạc tượng Bảo Hà đã trở thành một trong những điểm đến của “Chương trình du khảo đồng quê”. Chủ tịch UBND xã Đồng Minh Bùi Văn Nhâm hồ hởi: “Với gần hai chục lò, mỗi tháng làng nghề Bảo Hà tạo ra cả trăm pho tượng. Việc phát triển theo hướng làng nghề kết hợp du lịch là một bước ngoặt, tạo nên sự độc đáo và hiệu quả cao. Thời gian gần đây, nhiều đơn vị tổ chức tour tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã về làng liên hệ, đặt mối làm ăn lâu dài”.
Không chỉ đón các đoàn khách trong nước, Bảo Hà còn thu hút đông đảo du khách từ Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc... đến tham quan. Điều này cho thấy, việc phát triển theo hướng du lịch không những góp phần duy trì làng nghề, tránh sự mai một mà còn để quảng bá hình ảnh của nghề tạc tượng truyền thống với bạn bè quốc tế.