Thông điệp vì tương lai xanh
Tuy khác nhau về giáo lý, giáo luật nhưng các tôn giáo ở Việt Nam đều giáo dục chức sắc, tín đồ làm việc thiện, sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái. Phật giáo chỉ ra con người và thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít, bình đẳng, tác động tương hỗ nhau. Thuyết Duyên khởi cho rằng không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường. Theo lời ĐBQH, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các tăng, ni, phật tử đều thống nhất quan điểm và thấu hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Điều này đã được nêu rõ trong phương hướng hoạt động Phật sự, chương trình, mục tiêu nhiệm vụ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Còn trong giáo lý của Công giáo, từ Cựu ước, Tân ước đến các thông điệp của Giáo hoàng và các văn kiện của Công đồng đều có nội dung bàn luận xoay quanh vấn đề môi trường. Tại Việt Nam, giáo lý Công giáo, thông điệp về bảo vệ môi trường được quán triệt sâu sắc trong các tổng giám mục, linh mục, nữ tu để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho tín đồ và người dân. Ngay từ năm 2009, trong Lá thư Mục, Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn, bấy giờ là Tổng Giám mục Tổng Giáo phận thành phố Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Đối với các Kitô hữu, gìn giữ, bảo vệ, chăm sóc môi trường thiên nhiên không chỉ là một trách nhiệm xã hội, mà còn là đòi hỏi của niềm tin, là một nghĩa vụ cao cả, vì lẽ ta được cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng”.
Tại hội nghị toàn quốc “Biểu dương, phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” (tháng 10.2019, tại Thừa Thiên Huế), với sự tham gia của 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo ở Việt Nam, lời kêu gọi của các tổ chức tôn giáo được đưa ra, mang ý nghĩa sâu sắc vì hành động xây dựng tương lai xanh. Phật giáo nhấn mạnh: “Mỗi người, bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình”.
Công giáo với thông điệp: “Chúng ta, những người Việt Nam trên dải đất thân yêu này, hãy cùng nhau, bằng tất cả trái tim, bằng khối óc, bằng ý chí, bằng sức lực, quyết tâm góp sức để cứu vãn tình trạng bi đát của Trái đất này trước khi quá muộn”.
Phật giáo Hòa Hảo cũng nêu bật thông điệp: “Nếp sống đạo của người tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không tách rời cuộc sống đời thường và bổn phận phải bảo vệ môi trường tốt đẹp, an toàn và bền vững cho cuộc sống”…
Lan tỏa các mô hình điểm
Theo thống kê, cả nước đã có hơn 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Các tôn giáo đã có những mô hình hiệu quả, cách làm hay, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Như mô hình “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” của đồng bào tín hữu Hội thánh Tin Lành Việt Nam miền Nam, chi hội Dương Yên ở huyện Bắc Trà My, Quảng Nam, triển khai từ tháng 6.2020 đến nay. Bắt đầu từ hành động của các tín đồ Tin Lành của chi hội thực hiện thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì nilon và vận chuyển đến nơi thu gom, xử lý theo quy định… để lan tỏa ra tín đồ Tin Lành khác và cộng đồng. Nhiều người tham gia thu gom, phân loại rác thải, mang rác thải nhựa để đổi lấy cây ăn quả về trồng.
Hội thánh Tin Lành Hồ Sì Pán, xã Pu Sam Cáp, Sìn Hồ, Lai Châu, với mô hình “Giữ vệ sinh trong bản làng”, từ nhiều năm nay Ban chấp sự đã tuyên truyền tín hữu bảo đảm môi trường sinh sống sạch sẽ trong bản và coi đó là một cách làm chứng cho người khác. Trong đó, vận động đồng bào Mông không nuôi nhốt động vật trong nhà, quy ước khu vực thu gom rác sinh hoạt chung, để nhà cửa, đường sá sạch đẹp, không ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của mọi người.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã xây dựng mô hình điểm trong công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Điển hình tại chùa Pháp Vân, Hoàng Mai, Hà Nội, sau khi trở thành mô hình điểm (năm 2015), chùa đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: thành lập Ban Điều hành Pháp Vân Xanh với hơn 20 thành viên nòng cốt và thành viên cố vấn là các giáo sư, chuyên gia hoạt động vì cộng đồng; thành lập câu lạc bộ Môi trường xanh với sự tham gia của đoàn viên thanh niên, sinh viên đến từ các trường đại học trên địa bàn thành phố; phát động chương trình Triệu chữ ký, triệu hành động vì môi trường... Ngoài ra, thông qua các khóa tu, nhà chùa kết hợp lồng ghép tuyên truyền, vận động tăng, ni, phật tử bảo vệ môi trường, không đốt vàng mã tại các nơi thờ tự, gia đình… Các chương trình hành động này gắn với phương châm Xanh từ tâm đến môi trường xã hội, cũng chính là thực hành lời Phật dạy và phương châm hoạt động Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Có thể thấy, nhiều mô hình, cách làm ý nghĩa của các tổ chức tôn giáo đã góp phần không nhỏ lan tỏa hành động bảo vệ môi trường, trở thành thói quen sinh hoạt hàng ngày của mỗi tín đồ và nhân dân. Từ đó, thể hiện văn hóa ứng xử tốt đẹp của đạo với môi trường, với xã hội, chung tay bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.