Góp sức bật cho du lịch
Nhắc đến mối quan hệ giữa du lịch và ngoại giao là nhắc đến mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, đóng góp sức mình vào các mục tiêu chung của quốc gia, dân tộc.
Với đường bờ biển dài, tài nguyên thiên nhiên phong phú và nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Theo số liệu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2014, tổng thu từ du lịch đạt 230.000 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày một phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, xu hướng toàn cầu hóa và hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, du lịch Việt Nam phải vượt qua rất nhiều thách thức để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng các cơ hội mà hội nhập mang lại. Ngành Ngoại giao có vai trò, nhiệm vụ quan trọng trong việc hỗ trợ Ngành Du lịch đạt được những mục tiêu đặt ra trong thời kỳ mới.
Nói về những đóng góp của Ngành Ngoại giao đối với phát triển du lịch trong thời gian qua, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế, Bộ Ngoại Giao Trần Quốc Khánh cho rằng: với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước về du lịch, Bộ Ngoại giao đã tích cực tham gia công tác tham mưu, hoạch định chính sách, pháp luật liên quan đến phát triển du lịch, đóng góp ý kiến vào nhiều chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển du lịch, gần đây nhất là Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Chương trình phát triển du lịch gia đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường châu Âu giai đoạn 2015 - 2017… Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 92/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, Ngành Ngoại giao đã chủ động xây dựng Kế hoạch hành động và phổ biến tới tất cả các đơn vị trong nước và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để triển khai.
Bộ Ngoại giao chủ động đưa các nội dung về quảng bá, giới thiệu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực du lịch trong các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao, các sự kiện lớn của đất nước và các hoạt động xúc tiến tổng hợp do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức ở trong và ngoài nước. Thông qua hệ thống các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, các hoạt động quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch trong chương trình Tuần/ Ngày Việt Nam ở nước ngoài đã thu hút được sự quan tâm lớn và để lại ấn tượng sâu sắc về đất nước, con người, văn hóa, ẩm thực, danh lam thắng cảnh việt Nam trong lòng công chúng sở tại, góp phần hiệu quả vào việc thu hút du khách tới Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng đã chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến trong nước như liên tục tổ chức Chương trình Gặp gỡ địa phương - Ngoại giao đoàn trong 4 năm vừa qua (2012 - 2014), hỗ trợ tốt cho các địa phương trong quảng bá du lịch, thu hút đầu tư.
Mới đây, Bộ Ngoại giao đã triển khai mời và hỗ trợ nhiều hãng báo chí nước ngoài có uy tín tới thực hiện phóng sự, viết bài quảng bá du lịch Việt Nam (Hỗ trợ Hãng ABC News - Mỹ làm phóng sự quảng bá cảnh quan hang Sơn Đoòng - Quảng Bình; hỗ trợ kênh truyền hình Nihon Denpa News - Nhật Bản làm phim tài liệu nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hãng Teleradio Petersburg - Nga thực hiện phóng sự về đường mòn Hồ Chí Minh, đất nước và con người….); cung cấp các ấn phẩm tuyên truyền quảng bá du lịch qua các cơ quan đại diện; tích cực vận động UNESCO công nhận các di sản vật thể và phi vật thể của Việ Nam; và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái thông qua việc thúc đẩy các cơ chế hợp tác tiểu vùng Me kong.
Phát triển du lịch trong bối cảnh mới
Chia sẻ về định hướng trong việc phát huy mối quan hệ hỗ tương giữa ngoại giao và ngành du lịch trong thời gian tới, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Trần Quốc Khánh khẳng định: “Để hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quảng bá, xúc tiến du lịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm và tiềm năng, qua đó góp phần thu hút khách du lịch vào Việt Nam. Phát huy thế mạnh của mạng lưới cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, thông tin về các xu thế phát triển du lịch trên thế giới và khu vực; tìm hiểu và phổ biến kinh nghiệm quốc tế về đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ du lịch; thúc đẩy hợp tác quốc tế về phát triển du lịch và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch; tham mưu về các quy hoạch, chiến lược phát triển du lịch, chính sách thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng du lịch…”
Với câu hỏi “Ngoại giao cần phát huy vai trò như thế nào đối với yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh mới?”, Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam cho rằng: “Ngày nay ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa và ngoại giao hướng tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài là những kênh cần tận dụng để góp phần phát triển du lịch.
Do là cầu nối giữa khách hàng quốc tế và trong nước, ngoại giao có thể giúp xác định thông điệp lõi (phải chăng sức hút của Việt Nam là con người - văn hóa và lối sống là sức sống của dân tộc Việt Nam) và góp ý cho việc chọn những chiều kích nổi trội để đưa vào “thực đơn du lịch” (chẳng hạn như văn hóa nước với đồng bằng sông Cửu Long hay hình ảnh nhiều màu sắc của một xã hội đa sắc tộc, hay là ẩm thực, đặc biệt là ẩm thực đường phố, đã được các kênh truyền thông quốc tế như CNN làm phóng sự).
Vai trò của ngoại giao còn là tạo điều kiền thuận lợi làm cổng thông tin hai chiều cho du khách quốc tế và cho cơ quan chuyên trách cũng như các chủ thể dịch vụ du lịch trong nước”.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, để tận dụng kịp thời và đúng mức cơ hội cạnh tranh trong xu thế du lịch không ngừng phát triển trên toàn cầu, Việt Nam cần xây dựng thế đứng cho bản thân trên bản đồ du lịch thế giới và khu vực. Đến với du lịch quốc tế sau các nước nên Việt Nam hầu như không thể theo đuổi về số lượng du khách. Những nước trong khu vực như Thái Lan năm 2012 đã đón nhận 22 triệu du khách nước ngoài, tương đương khỏang 1/3 dân số nước này hoặc Malaysia năm 2012 đã đón nhận trên 25 triệu du khách bằng 80% tổng dân số nước này.
Vậy nên, việc cần làm là xây dựng thương hiệu du lịch rõ ràng, thích hợp, mạnh mẽ và có sức hút. Thương hiệu du lịch trong tổng thể thương hiệu quốc gia Việt Nam là vế mà Ngoại giao có thể phát huy đóng góp”, Bà Tôn Nữ Thị Ninh nói.
Mặt khác, Bà Tôn Nữ Thị Ninh lưu ý, Ngành Ngoại giao không nên lẫn lộn vai trò của ngoại giao với chức năng của các đơn vị xúc tiến du lịch cụ thể. Chẳng hạn, một đại sứ nên tìm cách quảng bá cho cà phê Việt Nam chứ không phải quảng cáo cho một thương hiệu cụ thể nào (Trung Nguyên, VinaCafe, Highland…). Bởi, vai trò ngoại giao là quảng bá bức tranh tổng thể (big picture), thương hiệu quốc gia Việt Nam (Country Brand) và thương hiệu du lịch Việt Nam (Tourism Brand) để tạo sự chú ý và thú vị, gây ấn tượng lan truyền… nhằm tạo sức bật cho Ngành Du lịch nước nhà trong thời kỳ mới.