Uống nước măng chua, nữ bệnh nhân lên cơn co giật, hôn mê

Sau khi uống nước măng chua khoảng 5 phút, nữ bệnh nhân (44 tuổi) kêu đau đầu, nôn nhiều, co giật toàn thân, hôn mê, xét nghiệm máu có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng, lactat máu tăng cao.

Ngày 31.5, Trung tâm chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 44 tuổi từ Thái Nguyên chuyển đến trong tình trạng hôn mê, nhiễm toan chuyển hóa, đang thở máy, tiêu cơ vân, tổn thương cơ tim.

Theo thông tin từ gia đình bệnh nhân và các bác sỹ tuyến trước, lúc 16 giờ cùng ngày, bệnh nhân cùng chồng uống nước măng chua từ lọ măng chua của gia đình tự ngâm (lọ chứa khoảng 1 kg măng tre, ngâm tươi, để đã được 1 năm và gia đình đã đang ăn dần). Bệnh nhân uống khoảng 200ml, còn chồng uống khoảng 30ml (không có biểu hiện gì).

Sau uống khoảng 5 phút, bệnh nhân kêu đau đầu, nôn nhiều, co giật toàn thân, hôn mê, xét nghiệm máu có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng, lactat máu tăng cao.

Uống nước măng chua, nữ bệnh nhân lên cơn co giật, hôn mê -0
Măng chua ngâm (Ảnh: minh họa)

Bệnh nhân được cấp cứu ở tuyến trước, đặt ống nội khí quản, thuốc an thần, thở máy, truyền dịch và hội chẩn với Trung tâm chống độc từ xa, sau đó chuyển Trung tâm chống độc do nghi ngộ độc xia nua tiên lượng nặng hoặc có thể diễn biến phức tạp.

Các mẫu của bệnh nhân mang tới đã được xét nghiệm tìm các chất độc, kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả các mẫu đều có chứa xia nua, bao gồm cả mẫu nước măng và các mẫu từ cơ thể bệnh nhân, đặc biệt hàm lượng xia nua trong các mẫu như sau: dịch dạ dày 0,5mg/L; máu 1 mg/L; nước tiểu 2 mg/L.

Bệnh nhân đã được tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, tình trạng cải thiện dần, tỉnh táo, các xét nghiệm trở về bình thường và đã được rút nội khí quản. Sau 4 ngày bệnh nhân được xuất viện.

Xia nua là chất cực độc

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, xia nua là chất cực độc, liều thấp nhất có thể gây tử vong trên người là 0,56 mg/kg cân nặng, với trọng lượng của bệnh nhân, uống 30mg xia nua đã có thể gây tử vong. Người chồng rất có thể do uống ít nên không bị ngộ độc.

Vậy tại sao uống nhiều nước măng tre lại có thể bị ngộ độc xia nua?TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cho hay, trong một số loài thực vật có chứa các tiền chất của xia nua (được gọi là các chất glycoside sinh xia nua) khi ăn vào cơ thể các chất này sẽ chuyển thành xia nua, điển hình nhất là sắn và măng (măng tre, vầu, trúc,…).

Trong măng có chứa chất glycoside sinh xia nua là taxiphyllin, đồng thời, trong măng còn có một enzym là B-glycosidase có thể chuyển hóa taxiphyllin thành xia nua (HCN). Tuy nhiên, khi cây măng nguyên vẹn, enzym B-glycosidase ở trạng thái không tiếp xúc được với chất taxiphyllin nên không tạo ra xia nua. Khi cây măng bị làm đứt gãy, giập nát hoặc nhai (động vật hoặc con người ăn), hoặc măng được thái và ngâm thì enzym B-glycosidase tiếp xúc với chất taxiphyllin và chuyển chất này thành xia nua.

Ruột con người cũng có sẵn enzym B-glycosidase nên khi thức ăn là măng xuống tới ruột thì enzym này sẽ chuyển hóa taxiphyllin thành xia nua và hấp thu vào cơ thể. Cách thức cây măng chứa đồng thời tiên chất của xia nua và enzym chuyển hóa B-glycosidase giống như “quả bom sinh học” đóng vai trò tự vệ trước sự tấn công phá hoại của động vật là khá thú vị. Điều này có nghĩa, các động vận hãy cẩn thận, nếu gây tổn hại măng (là cây non) và ăn vào thì có thể bị ngộ độc.

Trên thực tế, lượng độc tố trong măng nhanh chóng giảm nhiều qua quá trình chế biến như luộc, ngâm, ủ. Trong tự nhiên, một số động vật dường như cũng có cách thích nghi và tự bảo vệ để có thể ăn được măng mà không bị ngộ độc, ví dụ như gấu trúc có thể ăn rất nhiều trúc như một nguồn thức ăn chính hàng ngày.

Khi ngâm măng, một lượng xia nua nhất định cũng được tạo ra, cả xia nua và chất taxiphyllin khuếch tán ra nước, lượng độc tố trong măng có thể giảm đi nhưng các độc tố có trong nước có thể tăng lên, nên nếu uống quá nhiều nước măng có thể bị ngộ độc.

Ngộ độc xia nua do ăn măng ở người rất hiếm gặp và chỉ khi ăn quá nhiều tới mức ăn no măng hoặc ăn nhiều như “ăn thay cơm”, và đặc biệt là với măng tươi do lượng độc tố còn nhiều. Trong điều kiện ăn uống bình thường, người ăn có thể yên tâm múc vài thìa nhỏ nước măng làm gia vị mà không sao.

Bác sĩ khuyến cáo

Để phòng tránh ngộ độc xia nua do ăn măng và sắnTS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc khuyến cáo người dân cần chế biến măng và sắn đầy đủ trước khi ăn. Với măng nên luộc sôi kỹ (nếu có thể thì sôi trong 1-2 tiếng), măng tươi trước khi ngâm trong lọ thì thái thành các miếng nhỏ và mỏng sau đó ngâm trước trong nước trong 24 giờ để loại bớt độc tố.

Lưu ý trong quá trình luộc hoặc ngâm măng ở ngoài thì cần thay nước mới nhiều lần để loại bỏ hiệu quả các độc tố (vì nước cũ đã có độc tố từ măng khuếch tán ra). Người dân cũng nên tránh các tình huống ăn quá nhiều măng tới mức cực đoan (ví dụ ăn măng là chính và tới khi no, hoặc “ăn thay cơm”).

Nước ngâm măng có thể làm gia vị nhưng không nên uống quá nhiều (một người không nên uống một lần tới hàng trăm ml như trên). Với sắn thì cần bóc sạch toàn bộ vỏ, sau đó rửa sạch nhựa và ngâm kỹ trong nhiều nước hoặc thay nước nhiều lần và cũng không nên ăn quá nhiều.

Sức khỏe

Ngành y tế hoàn thành 14/16 nhiệm vụ là nỗ lực vượt bậc
Tin tức

Ngành y tế hoàn thành 14/16 nhiệm vụ là nỗ lực vượt bậc

Chia sẻ bên lề phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, qua báo cáo ngành y tế gửi đến kỳ họp, việc giải quyết phần lớn những vấn đề phân công tại Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại các kỳ họp trước, cho thấy nỗ lực rất lớn của ngành.

Xây dựng môi trường học đường không khói thuốc lá
Sức khỏe

Xây dựng môi trường học đường không khói thuốc lá

Trước tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá đang trở thành mối lo của nhiều gia đình và toàn xã hội, vừa qua, Cục Y tế Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông vận tải) phối hợp với Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) tổ chức Hội thi “Sinh viên ngành giao thông vận tải nói không với thuốc lá” năm 2024.

20 kỹ thuật mới, chuyên sâu được chuyển giao và thực hiện thành công tại BVÐK tỉnh Bình Định.
Sức khỏe

Hiệu quả từ chuyển giao, chủ động thực hiện kỹ thuật cao

Thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, từ năm 2020 - 2024, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định đã thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao từ việc tiếp nhận đào tạo, hỗ trợ chuyên môn và chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Những thành quả bước đầu được ghi nhận góp phần quan trọng trong cải thiện chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tải áp lực cho tuyến trên.

Việc tiêu thụ đồ uống có đường ở Việt nam tăng nhanh trong những năm gần đây.
Sức khỏe

Tầm nhìn dài hạn tác động tới hành vi người tiêu dùng

Tiêu thụ thường xuyên đồ uống có đường; trong đó, có nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân gây ra thừa cân, béo phì và các rối loạn chuyển hóa, làm gia tăng tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường type 2, tăng huyết áp cũng như các biến chứng về bệnh tim mạch, đột quỵ, tử vong... Theo đó, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với đồ uống có đường là biện pháp quan trọng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, nhằm giảm mức tiêu thụ và tác hại đối với sức khỏe.

Hậu Giang: Nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá
Tin tức

Hậu Giang: Nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tác hại của thuốc lá huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ đã tổ chức Hội thi Tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá cho học sinh THCS và THPT. Hội thi đã góp phần nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử.