Tủ sách cổ điển: Bước đường cùng

Bước đường cùng đánh dấu đỉnh cao về tư tưởng của nhà văn Nguyễn Công Hoan và là một trong những tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng.

      Pha, một nông dân nghèo bị Trương Thi – người hàng xóm không tốt bỏ bã rượu vào ruộng rồi báo Tây đoan về bắt. Nhưng Thi bỏ lầm vào ruộng Nghị Lại, một địa chủ lớn trong vùng. Pha thoát nạn. Nghị Lại xúi Trương Thi kiện Pha, rồi lại xúi Pha kiện Trương Thi, hứa cho cả hai người vay tiền lo kiện và nói lót với quan cho cả hai! Pha lên huyện hầu kiện, bị lính lệ hạch sách, đánh đấm, cướp giật, lại bị quan ra lệnh tống giam vì không mang tiền “lễ”. Đến khi vợ đem tiền đến, anh mới được tha về. Nghị Lại đến dụ dỗ, Pha lại phải vay thêm lão hai chục để “tạ quan”! Bá Tân, người anh vợ có chữ nghĩa của Pha, bàn với Pha tìm cách trả kỳ được món nợ của Nghị Lại. Nhưng lão đã có chủ ý, nhất định chưa nhận. Vụ thuế đến, lính cơ về làng, tróc nã, bắt trói, cùm kẹp; Quan huyện về đốc thuế, đem lính vào từng nhà, cướp trâu, vơ vét đồ đạc, tiền bạc...! Sau vụ thuế, nhiều gia đình nông dân khánh kiệt, trong khi Nghị Lại và bọn kỳ hào kiếm hàng trăm. Vợ chồng Pha phải đến làm thuê cho Nghị Lại, vất vả quần quật mà cơm độn cà thiu không đủ no. Chị Pha về ốm nặng, Pha lại phải đến vay thóc Nghị Lại để ăn. Vợ anh vẫn ốm, không có tiền mua thuốc, chỉ uống mấy thứ lá linh tinh, rồi lễ bái, chạy mồ... Anh phải đến phục dịch nhà Nghị Lại, rồi bị đòn, bị đuổi oan ức. Nước sông lên to, Pha và hàng trăm nông dân phải đi hộ đê, trong khi vợ con nhịn đói. Rồi nạn dịch tả. Chị Pha chỉ vì không chịu tiêm chủng đã chết về dịch. Đã thế, Pha còn bị “làng” bắt vạ vì cho rằng anh “hỗn xược với thần” để làng bị dịch! Đứa con của anh cũng chết nốt, chỉ còn mình anh trơ trọi, túng đói.  
      Đau buồn, uất ức, Pha càng thấm thía tình trạng bất công ở đời. Hòa, anh ruột Pha, làm thợ ở xa về làng thăm em. Hòa giải thích cho Pha về nguyên nhân nỗi khổ và bảo anh: Dân cày phải hợp sức nhau lại đạp đổ “cái chế độ thối mục ở hương thôn” hiện nay thì mới sống được. Giữa lúc đó, Nghị Lại gọi Pha đến đòi nợ. Tính theo lệ vay nhà lão thì cả gốc lẫn lãi, Pha phải gán tám sào ruộng lúa đang chín của anh. Trước dã tâm cướp ruộng, cướp lúa của Nghị Lại, Dự, một người anh em họ, bàn với Pha và Trương Thi, San – là những người cũng sắp bị Nghị Lại cướp ruộng vì không trả được nợ – họp nhau đối phó. Họ quyết định cùng hợp sức gặt lúa cho nhau, không để lão cướp lúa. Họ đã gặt cho Thi và San trót lọt. Nhưng hôm sau, Nghị Lại cho lính kèm thợ gặt đến gặt cướp lúa trên ruộng của Pha, khi anh chạy đến, Nghị Lại trỏ lính quây bắt. Vớ được chiếc đòn càn, anh phang mạnh vào đầu lão, kêu to: “Đồ ăn cướp!”. Bọn lính trói gô Pha lại, khênh anh đi...
      Bước đường cùng phản ánh cuộc sống nông thôn đương thời trên một phạm vi tương đối rộng với nhiều tài liệu phong phú, chân thực về tình cảnh khổ cực của người nông dân bị áp bức bóc lột, trong đó, nổi bật nhất là nạn địa chủ phong kiến. Nhân vật Nghị Lại là một điển hình khá toàn diện về giai cấp địa chủ thối nát, phản động. Tác giả tập trung vạch trần dục vọng cướp đoạt ruộng đất nông dân của bọn địa chủ, chủ yếu bằng thủ đoạn cho vay cắt cổ. Trong khi miêu tả quá trình bị đẩy tới “bước đường cùng” không cưỡng được của người nông dân Việt Nam trước cách mạng, tác giả đã cố gắng xây dựng một nhân vật tích cực, có quá trình phát triển về ý thức giác ngộ và tinh thần đấu tranh chống kẻ thù giai cấp. Nhận thức tiến bộ đó của Nguyễn Công Hoan là nhờ ảnh hưởng của phong trào Mặt trận dân chủ do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Nhưng nhận thức của tác giả khi đó chưa thật đầy đủ, chính xác, nên Bước đường cùng vẫn bộc lộ những mâu thuẫn, lúng túng trong việc tìm nguồn gốc nỗi khổ của nông dân, trong việc thể hiện con đường đấu tranh của họ. Mặt khác, trong khi miêu tả chân thực cảm động nỗi khổ của người nông dân, tác giả chưa phải đã hiểu biết sâu sắc, đầy đủ đời sống tinh thần phong phú và phẩm chất đẹp đẽ của họ. 
      Bước đường cùng có nhiều trang đặc sắc, sinh động, song chưa có được sức truyền cảm nghệ thuật tương xứng với chủ đề lớn, tiến bộ của nó. Tuy nhiên, ý nghĩa tiến bộ của tác phẩm từng được báo chí cách mạng khi đó khẳng định, biểu dương. Một số Hội ái hữu công nhân đã đưa tác phẩm lên sân khấu. Chính quyền thực dân Pháp vội vã cấm lưu hành lần lượt trên toàn cõi Đông Dương.

Nguyễn Hoành Khung

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.