Kinh nghiệm thoát nghèo

Trồng “cây vàng” trên đỉnh Pu Si Lung

Bản Sín Chải B nằm chênh vênh giữa những dãy núi cao Tây Bắc, ngửa mặt chỉ thấy núi, cúi mặt chỉ thấy vực sâu thẳm. Ít ai ngờ ở nơi ấy lại có những khu vườn “tiền tỷ”, giúp đời sống bà con khởi sắc từng ngày.

Giữ lộc rừng già

Bây giờ đang vào mùa lạnh, những cây sâm đã trút lá ngủ đông nhưng với kinh nghiệm nhiều năm, Pờ Và Hừ (sinh năm 1994) không khó để nhận biết củ sâm đang “trốn” ở đâu dưới tán rừng già Pa Vệ Sủ. Là người dân tộc La Hủ - một trong 4 dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu, sinh ra và lớn lên ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, Pờ Và Hừ chứng kiến cuộc sống đầy khó khăn, nghèo đói và lạc hậu nơi đây. Lúc đó, bà con vẫn chưa biết đến giá trị của loài cây dược liệu vốn mọc đầy trên những cánh rừng của bản.

Người La Hủ gọi sâm Lai Châu là tam thất hoang hay tam thất đen, coi là một vị thuốc. Trước đây, tam thất nhiều vô kể, dân bản đi làm nương thường đào về ngâm rượu hoặc phơi khô đun nước uống quanh năm. Giá tam thất đen bán rẻ như cho, bà con đào bán chủ yếu để đổi lấy gạo, thóc…

Sâm Lai Châu được xếp vào loài dược liệu quý hiếm
Sâm Lai Châu được xếp vào loài dược liệu quý hiếm

Cách đây khoảng 10 năm, nhiều thương lái Trung Quốc sang Mường Tè tìm mua tam thất đen với giá cao, có thời điểm lên đến mấy chục triệu đồng/kg. Từ đó, nếu không vào mùa thu hoạch thảo quả, bà con đổ xô đi rừng tìm đào tam thất đen để bán, khiến cho nguồn cây dược liệu quý tự nhiên này ngày càng cạn kiệt.

Pờ Và Hừ cùng với những người dân đi rừng, khai thác tam thất hoang để bán. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng và giá trị kinh tế của loài cây này, Pờ Và Hừ suy nghĩ nếu chỉ khai thác cây trên rừng không thể mang lại nguồn lợi bền vững, nhất là khi cây ngày càng khan hiếm. Nghĩ là làm, khai thác từ rừng một số củ sâm to, Pờ Và Hừ không đem bán mà giữ lại để ươm trồng trong vườn nhà. Anh trở thành người đầu tiên của bản đưa củ sâm về ươm trồng.

“Lúc đó, thấy tôi giữ lại trồng, nhiều người dân trong bản quở tôi dở hơi. Họ nói giá cao thế không bán, đem trồng sống làm sao được. Nhưng nếu cứ tìm được tam thất rồi bán đi thì chả mấy mà hết. Thay vì vậy, mình đem trồng, rồi nhân giống, mỗi năm nhân lên một ít. Tôi cứ nghĩ như vậy”, Pờ Và Hừ chia sẻ.

Nhân lên khát vọng

Đúng là ươm trồng sâm Lai Châu trong vườn nhà không dễ. Điều kiện thổ nhưỡng ẩm, khí hậu mát mẻ quanh năm, lạnh về mùa đông là một lợi thế, song đặc điểm của loài sâm Lai Châu là mọc ngoài tự nhiên nên ươm trồng làm sao để cây sinh trưởng, phát triển tốt đòi hỏi phải thật am hiểu đặc tính của loài cây này. Ban đầu, Pờ Và Hừ chỉ đem củ giống vùi xuống đất, nảy mầm được củ nào hay củ ấy, nhưng tỷ lệ lên mầm cây rất thấp. Sau một thời gian trồng, chăm sóc, mầy mò tìm hiểu, Pờ Và Hừ đã nắm được đặc tính sinh trưởng của cây sâm Lai Châu.

Pờ Và Hừ cho biết, đây là loài cây mọc hoang dã, nên để thuần hóa trong vườn nhà cần kỹ thuật chăm sóc vừa đơn giản lại vừa mỉ mỉ, người trồng phải thật kiên trì. Đặc biệt, riêng với sâm Lai Châu, tuyệt đối không được bón phân hóa học hay phun bất kỳ loại thuốc gì, 3 - 4 ngày mới tưới lượng nước nhỏ. Trên mặt đất phải ủ một lớp lá khô để giữ ẩm, nên chọn đất mùn tơi xốp, tốt nhất là lấy đất mùn từ rừng già. Trong quá trình chăm sóc, phải thường xuyên kiểm tra gốc cây, tránh để kiến và sâu bọ ăn vào gốc, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây cũng như chất lượng củ.

Anh Pờ Và Hừ (áo xanh) hướng dẫn bà con bản Sín Chải B cách chăm sóc cây sâm Lai Châu. Ảnh: Thanh Ngân
Anh Pờ Và Hừ (áo xanh) hướng dẫn bà con bản Sín Chải B cách chăm sóc cây sâm Lai Châu. Ảnh: Thanh Ngân

Cây sâm rất dễ bị thối củ khi trời mưa to, kéo dài, vì vậy khi chuyển sang trồng vườn nhà, phải làm mái che cho vườn sâm. Từ năm 2017, Pờ Và Hừ nhân rộng diện tích trồng sâm Lai Châu và làm bài bản hơn. Thay vì vùi trực tiếp xuống đất như trước, anh làm đất, lên luống, dựng mái che, dựng lưới vây quanh để bảo vệ cây sâm. Từ vài nghìn mét vuông ban đầu đến nay, gia đình Pờ Và Hừ đã có khoảng 2ha sâm Lai Châu.

Cây sâm trồng từ 3 - 5 năm sẽ cho củ. Cây càng nhiều tuổi thì càng được giá, từ năm thứ 7 trở ra là có thể bán củ. Củ sâm tươi có giá trung bình 20 triệu đồng/kg, nếu sâm trên 10 tuổi có giá khoảng 50 triệu đồng/kg, thậm chí lên tới 60 - 70 triệu đồng/kg. Chưa kể, vườn sâm có thể cho cây giống hay hạt giống để bán quanh năm. Riêng gia đình anh Pờ Và Hừ mỗi năm thu được trên dưới 100 triệu đồng từ bán cây, hạt giống, chưa kể những lứa sâm đầu tiên sắp cho thu củ.

Mô hình ươm sâm Lai Châu của gia đình anh Pờ Và Hừ, ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè. Ảnh: Thanh Ngân
Mô hình ươm sâm Lai Châu của gia đình anh Pờ Và Hừ, ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè. Ảnh: Thanh Ngân

Nhìn thấy tiềm năng của cây sâm Lai Châu không những giúp xóa đói, giảm nghèo mà còn có thể đem đến sự giàu có, Pờ Và Hừ vận động bà con tham gia nhân rộng mô hình trồng sâm Lai Châu. Được chia sẻ nguồn cây giống và kỹ thuật trồng, hơn 80% hộ gia đình ở bản Sín Chải B đã bước đầu mở vườn trồng sâm Lai Châu, ít cũng vài chục mét vuông, có hộ trồng đến hàng trăm mét vuông…

Bản Sín Chải B bây giờ được quy hoạch là một trong những vùng trồng sâm Lai Châu trọng điểm của xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè. Mấy năm gần đây, sâm Lai Châu được xếp vào loài dược liệu quý hiếm, ngày càng có nhiều người biết đến, tìm mua. Nguồn thu từ vườn sâm tăng lên đáng kể, đời sống của bà con cũng theo đó mà cải thiện rõ rệt. Cây tam thất đen ngày nào đang thực sự trở thành “cây vàng”, mang theo khát vọng khởi sắc của đồng bào La Hủ trên đỉnh Pu Si Lung.