Hàng nghìn hecta sản xuất áp dụng công nghệ cao
Hết năm 2021, toàn tỉnh hiện có 98 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô gần 19.000ha, bình quân khoảng 200ha/vùng. Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh thực hiện xây dựng các mô hình ứng dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm cho các loại cây trồng, đến nay đã có 65.437ha, chiếm khoảng 37% diện tích các loại cây trồng có khả năng tưới. Tỉnh thiết lập thêm 7 vùng trồng và 6 cơ sở đóng gói để mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện, toàn tỉnh có 113 mã số vùng trồng với diện tích trên 23.000ha xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và Mỹ, EU, Úc, New Zealand.

Đến nay, đã có một số doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như Công ty TNHH Vineco Đồng Nai đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Long Thành và huyện Trảng Bom với tổng diện tích 465ha; Công ty TNHH Trang Trại Việt tại huyện Xuân Lộc có quy mô diện tích sản xuất là 13ha bao gồm chăn nuôi gà, sản xuất phân bón hữu cơ, trồng các loại dưa lưới, cà chua, ớt chuông, dưa hấu, rau ăn lá trong nhà màng; Công ty Cổ phần Việt Rau quy mô diện tích 8ha (công nghệ nhà màng, tưới tiết kiệm) tại Tân Hiệp, Long Thành) để xuất khẩu sang châu Âu… Một số hộ gia đình đã đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô diện tích nhà màng từ vài trăm đến 5.000m2 (mô hình sản xuất trong nhà màng, tự động hóa các khâu trong sản xuất).
Bên cạnh đó, hiện nay một số doanh nghiệp đang trình UBND tỉnh về chủ trương đầu tư, cụ thể gồm 6 dự án về nông nghiệp công nghệ cao (trồng rau, cây ăn quả, cây hương liệu, nấm…) tại huyện Cẩm Mỹ và Long Thành với tổng quy mô khoảng 5.968ha. Ngoài ra, một số địa phương như huyện Xuân Lộc đã phối hợp với tập đoàn Vingroup khảo sát, dự kiến đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao khoảng 200ha. Công ty Tân Mai đề xuất dự án nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Vĩnh Cửu khoảng 460ha. Sau khi quy hoạch sử dụng đất các huyện được phê duyệt, các đơn vị chủ đầu tư sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để trình UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, đến nay cả tỉnh có 442 trang trại chăn nuôi, chiếm 21% sử dụng công nghệ nuôi chuồng lạnh, chuồng kín; gần 89% trang trại chăn nuôi có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; 45% đàn lợn, 31% đàn gà được truy xuất nguồn gốc. Tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 7 vùng an toàn dịch được chứng nhận, đồng thời hiện nay đang tiếp tục khảo sát, xây dựng 3 vùng an toàn dịch bệnh đáp ứng tiêu chuẩn của tổ chức Thú y Thế giới (OIE) trên đàn gia cầm tại các huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Thống Nhất để phục vụ xuất khẩu. Còn trong lĩnh vực thủy sản, một số mô hình nuôi tôm thâm canh tiếp tục được triển khai nhận rộng, điển hình như mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao của công ty Cổ phần chăn nuôi CP, 66 hộ nuôi với tổng diện tích gần 156ha, cho lợi nhuận 1,1 - 1,5 tỷ đồng/ha/vụ.
Thu hút nhiều doanh nghiệp, dự án
Với quyết tâm trở thành một trong những địa phương sản xuất, phân phối và chế biến nông sản hàng đầu của tỉnh, huyện Xuân Lộc đang thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi cho nhà đầu tư triển khai dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản. Tất cả đều nhằm mục đích nâng cao giá trị gia tăng trong tiêu thụ nông sản cho người dân, bảo đảm đầu ra, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Viên Hồng Tiến cho biết, để kêu gọi các dự án nông nghiệp công nghệ cao, huyện thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi với nhà đầu tư, đối tác liên kết. Huyện quy hoạch các vùng phát triển khu công - nông nghiệp công nghệ cao tại các xã Xuân Tâm - Xuân Hưng - Xuân Hòa, Xuân Thành - Xuân Trường, Xuân Bắc, Xuân Phú. Từ đó mời gọi được nhiều “ông lớn” tham gia như: Tập đoàn Vingroup dự kiến đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao 200ha tại xã Xuân Trường và thị trấn Gia Ray, Công ty Việt Úc đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao gần 500ha tại xã Xuân Tâm…
Theo ông Tiến, ngoài các vùng, tiểu vùng nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu, huyện đang rà soát quỹ đất công và thu hồi các dự án hết hạn đưa vào quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo quỹ đất sạch, lớn cho doanh nghiệp. Cụ thể, thu hồi hơn 154ha của Xí nghiệp Cọ Dầu tại xã Xuân Hòa; khu đất hơn 105ha tại xã Xuân Thành; khu đất dự án Dofico hơn 1,7 nghìn ha tại 4 xã Xuân Tâm, Xuân Hưng, Xuân Thành và Xuân Bắc; khu đất 200ha tại xã Xuân Trường và Thị trấn Gia Ray.
Bên cạnh đó, huyện tập trung hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi của pháp luật và của tỉnh, nhất là về thủ tục đất đai, thuế để doanh nghiệp triển khai dự án được thuận lợi. Huyện cũng ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, thủy lợi, đường điện ở những nơi có quy hoạch dự án nông nghiệp công nghệ cao. Hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất và làm chứng nhận tiêu chuẩn: GAP, Organic, HACCP, ISO, OCOP; xây dựng chỉ dẫn địa lý và mã số vùng để thuận lợi hơn khi xuất khẩu. Xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh đối với vật nuôi.