Nhiều tiềm năng chưa được khai thác
Hưng Yên không được thiên nhiên ưu ái về tài nguyên rừng, núi và biển nhưng bù lại được ban tặng đất đai màu mỡ, phì nhiêu để phát triển nông nghiệp và hình thành nơi tập trung sinh sống của cộng đồng dân cư. Chính vì vậy, mảnh đất này trở thành nơi hội tụ những yếu tố văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trải qua thăng thầm thời gian, Hưng Yên còn bảo tồn được nhiều yếu tố văn hóa làng xã, những làng nghề truyền thống độc đáo hấp dẫn... hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn cho những du khách ưa thích trải nghiệm, khám phá.

Không những vậy, Hưng Yên còn lưu giữ được hệ thống di tích lịch sử rất phong phú và đa dạng với 1.802 di tích các loại, là lợi thế phát triển du lịch tâm linh. Tỉnh đã và đang hoàn thiện tour du lịch “Mỗi kỳ một chuyến đi” với lịch trình khám phá lịch sử văn hóa phố Hiến - sáng khách tham quan Văn miếu Xích Đằng - chùa Chuông, chiều đi đền Mẫu và đền Trần.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phạm Văn Hiệu cho biết: Đây là những di tích lịch sử đầy tự hào của người dân Hưng Yên. Trong đó, Văn miếu Xích Đằng thuộc quần thể di tích phố Hiến - điểm nhấn của tour là nơi tập trung tinh hoa, trí tuệ, tinh thần tôn sư trọng đạo của mảnh đất này. Công trình được khởi dựng từ thế kỷ XVII, đến nay còn bảo tồn hai di vật cổ là: Chuông và khánh đá được đúc, dựng từ thế kỷ XVIII.
Cũng theo ông Hiệu, Hưng Yên đang phấn đấu trở thành địa phương phát triển du lịch gắn với bản sắc làng quê. Người dân tham gia làm du lịch, biết khai thác tiềm năng lợi thế tại địa phương để nâng cao chất lượng đời sống. Hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những giải pháp thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. “Nếu đầu tư và quan tâm phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng sẽ tạo ra lợi ích cho cả người dân lẫn địa phương. Bên cạnh đó, còn góp phần bảo vệ tài nguyên, môi trường, bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo, lâu đời của địa phương”, ông Hiệu chia sẻ.
Biến thách thức thành cơ hội
Thời gian qua, cùng với cả nước, ngành du lịch Hưng Yên đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phạm Văn Hiệu cho biết: Trong quý I.2020, lượng du khách đến Hưng Yên ước đạt 88.000 lượt, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019. Dẫu vậy, trong khó khăn cũng chính là thời điểm để ngành du lịch tỉnh đánh giá một cách toàn diện về “sức khỏe” của chính mình. Nhận diện được thách thức, ngành du lịch Hưng Yên quyết tâm, nỗ lực biến thách thức thành cơ hội phát triển.
Chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng đón khách du lịch trở lại ngay sau khi đại dịch Covid-19 đi qua, tỉnh đang tập trung vào công tác truyền thông nhằm khẳng định hình ảnh du lịch Hưng Yên an toàn, hấp dẫn. Bên cạnh cùng cả hệ thống chính trị tập trung phòng, chống dịch bệnh, ngành du lịch tỉnh đã triển khai các hoạt động tái bản, xuất bản các ấn phẩm thông tin du lịch; phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương phát sóng các phóng sự về du lịch Hưng Yên. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động e-marketing thông qua trang thông tin điện tử du lịch Hưng Yên, mạng xã hội Facebook...
Phó Giám đốc Phạm Văn Hiệu chia sẻ: Tầm nhìn của du lịch Hưng Yên là phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch văn hóa, tâm linh, cho nên việc lưu giữ các không gian đặc trưng hết sức cần thiết. Trong bối cảnh quá trình đô thị hóa ngày càng mạnh, cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, hiện nay, cảnh quan đặc trưng nông thôn truyền thống trên địa bàn tỉnh Hưng Yên cũng bị thu hẹp; không gian nhiều vùng nông thôn đứng trước nguy cơ bị phá vỡ; không ít giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể chưa được bảo tồn, phát huy đúng tầm vóc. Bên cạnh đó, việc xây dựng, phát triển nông thôn cũng đang nghiêng về phát triển kinh tế mà chưa tập trung đầu tư nhiều cho phát triển văn hóa. Đây là những thách thức rất lớn đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Sớm nhận diện nguy cơ này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang tập trung xây dựng quy hoạch tổng thể cho không gian làng, xã dựa trên đặc trưng của từng địa phương; định hướng quy hoạch kiến trúc, xây dựng các công trình dân sinh ở nông thôn dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc, tránh phá vỡ cấu trúc, không gian văn hóa truyền thống của làng, xã. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về du lịch cho cộng đồng dân cư nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của phát triển du lịch, lợi ích kinh tế cho chính cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động du lịch. Qua đó, tiếp tục triển khai phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, sẵn sàng hồi phục khi đại dịch Covid-19 đi qua.