Theo đó, giải Ong Vàng dành cho các tác phẩm xuất sắc nhất được trao cho: phim tài liệu Ký ức không phai (kịch bản và đạo diễn: Nguyễn Hoàng, đơn vị sản xuất: Nguyễn Hoàng); phim hoạt hình Phù du (kịch bản: Chu Tất Thắng, đạo diễn: Chu Tất Thắng/Chu Tấn Phát, đơn vị sản xuất: Nhóm Chu Tất Thắng/Chu Tấn Phát); phim truyện Người đàn bà ở trạm xe (kịch bản: Linh Na, đạo diễn: Linh Chi Na, đơn vị sản xuất: Tinh Hoa Studio).
Giải Ong Bạc thuộc về phim tài liệu Nguyễn Công Trung (kịch bản: Lê Thanh Đào, đạo diễn: Đào Đại Nhân, đơn vị sản xuất: Lê Thanh Đào); phim hoạt hình Bức tranh của bố (kịch bản: Nguyễn Ngọc Bảo Trang - Lê Như Minh Vỹ, đạo diễn: Lê Như Minh Vỹ, đơn vị sản xuất: Trường ĐH Văn Lang); phim truyện Ai giết bánh bò (kịch bản: Trương Thế Thịnh, đạo diễn: Trương Thế Thịnh, đơn vị sản xuất: Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh).
Liên hoan phim còn trao 8 giải cá nhân (Ong Xanh) cho các hạng mục: Kịch bản xuất sắc nhất (Con gà mái mơ, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh), Đạo diễn xuất sắc nhất (đạo diễn Lê Chi Na, phim Người đàn bà ở trạm xe), Họa sĩ xuất sắc nhất (Nhìn, Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh), Âm nhạc xuất sắc nhất (Phạm Tiếu Chi, Trần Tuệ Minh, Nguyễn Lê Hoài Thương, phim hoạt hình Ước nguyện của mèo), Nữ diễn viên chính xuất sắc (NSƯT Phi Điểu vai bà Ngọc phim Ai giết bánh bò), Nam diễn viên chính xuất sắc (Trần Phong vai Mạnh, phim Đứng giữa lằn ranh), Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Nghinh Lộc vai Kim, phim Nhìn), Nam diễn viên phụ xuất sắc (Hữu Khang vai Nhí, phim Gã hoàn lương).
Liên hoan phim ngắn TP. Hồ Chí Minh được định hướng là một sự kiện điện ảnh chuyên nghiệp, tổ chức thưởng kỳ 2 năm/lần nhằm khuyến khích sự sáng tạo, phát huy tiềm lực trong sản xuất phim ngắn; tôn vinh các tác phẩm đặc sắc, giàu giá trị về tư tưởng, nghệ thuật, tính nhân văn.
Liên hoan phim ngắn TP. Hồ Chí Minh lần thứ I đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà làm phim và công chúng yêu điện ảnh với 96 tác phẩm phim được gửi về dự thi, trong đó có 60 phim truyện, 23 phim tài liệu và 13 phim hoạt hình. Hội đồng Nghệ thuật đã thể hiện tình thần trách nhiệm cao, công tâm trong việc chọn ra các tác phẩm để trao giải.
TP. Hồ Chí Minh vừa ban hành Đề án Phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030, trong đó xác định công nghiệp điện ảnh là ngành trọng tâm. Liên hoan phim ngắn được xem là bước cơ bản, nền tảng, cùng với Liên hoan phim quốc tế Thành phố TP. Hồ Chí Minh năm 2024 và đăng cai Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 24 năm 2025... nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh của Thành phố.