Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương cùng các tổ chức quốc tế đã nghe các báo cáo tham luận, trong đó tập trung đánh giá về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Pháp lệnh Dân số cũng như các giải pháp, kiến nghị bổ sung để nâng cao chất lượng dân số.
Pháp lệnh Dân số được UBTVQH Khóa XI thông qua ngày 9.1.2003, có hiệu lực từ ngày 1.5.2003. Và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số được UBTVQH Khóa XII thông qua ngày 27.12.2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.2.2009. Đây là văn bản pháp lý cao nhất của nước ta trong lĩnh vực dân số hiện nay. Với 7 chương, 40 điều, Pháp lệnh Dân số đã điều chỉnh cơ bản các vấn đề dân số, khắc phục được tình trạng tản mạn, phân tán việc điều chỉnh dân số và công tác dân số ở nhiều văn bản trước đó, phù hợp với các Công ước, Điều ước và văn bản quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập.
Sau 10 năm thực hiện, Pháp lệnh Dân số đã gặt hái nhiều thành công, phát huy những tác dụng quan trọng trong điều chỉnh dân số và công tác dân số, góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các chỉ tiêu về dân số cơ bản đã đạt mục tiêu đề ra, mức sinh thay thế ổn định liên tục trong nhiều năm (TFR 2012 = 2,05 con), tuổi thọ bình quân là 73 tuổi và tỷ lệ tăng dân số đạt 1,06% năm 2012... Tuy nhiên, việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này còn nhiều khó khăn và thách thức, nhất là trong bối cảnh nhiều vấn đề mới phát sinh trong công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh kịp thời của pháp luật. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, đây là thời điểm chín muồi để nâng cấp Pháp lệnh Dân số lên thành Luật Dân số. Luật Dân số sẽ là sự kế thừa có chọn lọc Pháp lệnh Dân số và khắc phục những hạn chế trong Pháp lệnh này để phù hợp với tình hình mới hiện nay. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH, dự án Luật Dân số sẽ trình QH xem xét trong năm 2014.