Phát triển chăn nuôi không coi nhẹ môi trường
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có một số trang trại chăn nuôi đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước các sông, suối và gây mùi hôi buộc phải được di chuyển ra khỏi các khu dân cư. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, Đồng Nai phát triển chăn nuôi nhưng phải đúng quy hoạch và đáp ứng môi trường. Đồng thời yêu cầu tỉnh, huyện cần rà soát lại các khu vực được phép và phù hợp phát triển chăn nuôi; giám sát công tác bảo vệ môi trường và có chế tài đủ mạnh xử lý các cơ sở vi phạm, coi nhẹ môi trường…
Kết luận tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai vào cuối tháng 10.2022, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã chỉ đạo tổ chức đợt tổng kiểm tra tất cả các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh về vấn đề môi trường, từ đó, chấn chỉnh các cơ sở không chấp hành, bảo đảm vấn đề bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đang chỉ đạo các cơ quan liên ngành của tỉnh tiến hành kiểm tra định kỳ và đột xuất việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 9.832 cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Đợt kiểm tra lần này nhằm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, góp phần phục hồi các khu vực bị ảnh hưởng do hoạt động chăn nuôi gây ra. Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo sự phát triển bền vững. Năm 2021 và 2022, Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền hơn 8,4 tỷ đồng và đình chỉ hoạt động có thời hạn 7 cơ sở vi phạm về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Trước đó, ngày 24.2, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định phê duyệt danh sách 3.006 cơ sở chăn nuôi (heo, bò, gà, vịt, dê…) khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Trong đó, có 2.145 cơ sở buộc phải di dời, 861 cơ sở ngưng chăn nuôi. Hầu hết các cơ sở này là các nông hộ hoặc trang trại quy mô vừa và nhỏ ở các địa phương có mật độ chăn nuôi cao như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Trảng Bom, Tân Phú.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đồng Nai, hiện trên địa bàn tỉnh có 1.748 trang trại chăn nuôi có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi, đạt tỷ lệ gần 91%. Trong đó, tại các trang trại có quy mô lớn, chất thải rắn được thu gom và xử lý bằng các hình thức như: ủ phân, ủ compost, sơ chế phân, sử dụng máy ép phân. Về nước thải được xử lý bằng phương pháp lý - sinh - hóa kết hợp.
Khí thải, nhất là mùi hôi được các trang trại giảm thiểu bằng sử dụng chế phẩm sinh học, trồng cây xanh quanh trại… đáp ứng các quy định trước khi thải ra môi trường. Đến nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 255 cơ sở chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, xác nhận 95 cơ sở chăn nuôi quy mô cam kết bảo vệ môi trường; có 7.684 công trình khí sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi.
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi khép kín, an toàn
Mặc dù có nhiều lợi thế cạnh tranh, song, sản phẩm chăn nuôi trong nước vẫn bị lép vế ngay trên “sân nhà” bởi các sản phẩm thịt nhập khẩu do cạnh tranh về giá thành. Cụ thể, giá thịt heo nhập khẩu trung bình đạt 2.153 USD/ tấn, tương đương giá 50.000 - 60.000 đồng/kg. Giá bán ra thị trường hiện phổ biến ở mức 55.000 - 99.000 đồng/kg. Giá bán lẻ các loại thịt đến tay người tiêu dùng đều ở mức hơn 100.000 đồng/kg, có loại giá lên đến gần 200.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với heo nhập khẩu. Tương tự, nhiều loại thịt gà, thịt bò nhập khẩu bán lẻ ra thị trường cũng rẻ hơn so với thịt nội. Do đó, thịt nội không có lợi thế cạnh tranh với thịt ngoại về giá.
Bài toán tiêu thụ yêu cầu ngành chăn nuôi muốn thành công phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; các chuỗi chăn nuôi phải đủ lớn và đáp ứng các tiêu chuẩn tiêu chí của thị trường quốc tế. Do đó, mong muốn của địa phương là quy hoạch khu chăn nuôi và giết mổ tập trung để tạo điều kiện cho các hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi tham gia đầu tư xây dựng, mở rộng trang trại theo hướng hiện đại.
Tính đến cuối năm 2022, chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã hình thành được 4 chuỗi trứng gà, 13 chuỗi thịt gà, 29 chuỗi thịt heo, 3 chuỗi sản phẩm chế biến từ thịt heo, 2 chuỗi thịt bò, 1 chuỗi yến. Đặc biệt là chuỗi thịt gà chế biến xuất khẩu, bình quân mỗi tháng xuất khẩu 180 tấn thịt gà chế biến sang thị trường Nhật Bản. Ngoài ra, các chuỗi chăn nuôi khép kín của các doanh nghiệp trên địa bàn cung cấp cho thị trường 262.262 tấn thịt heo, 67.816 tấn thịt gà, 1.888 tấn thịt bò mỗi năm. Đồng Nai cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi hợp tác với các công ty như: C.P, Japfa, Emivest để hình thành chuỗi liên kết.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và đây là giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề đầu ra, giá thành cho sản phẩm của ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành chăn nuôi của tỉnh cũng đang được tổ chức lại sản xuất theo chuỗi khép kín, an toàn.
"Tập trung nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm là từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục phát triển, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp, gắn việc thành lập mới hợp tác xã với xây dựng chuỗi liên kết để bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp…", Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai thông tin
Mặt khác, để khắc phục khó khăn, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai cũng tập trung thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thông qua việc bố trí kinh phí và xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh. Khống chế và kiểm soát tốt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; chủ động giám sát các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm, tiếp tục xây dựng mới và duy trì các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.