Chính sách và cuộc sống

Tiếp tục đưa trợ giúp pháp lý về cơ sở

Việc sớm ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo, người được trợ giúp pháp lý giai đoạn 2023 - 2030 được kỳ vọng tiếp tục là bà đỡ cho công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2016 - 2020 trợ giúp pháp lý cho 12.965 người

Là một trong những chính sách giảm nghèo, giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện theo Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 8.8.2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai Quyết định này, các địa phương thực hiện 13.071 vụ việc tham gia tố tụng có tính chất phức tạp hoặc điển hình cho 12.965 người được trợ giúp pháp lý (nhiều vụ án được tuyên mức án nhẹ hơn hoặc chuyển tội danh hay thay đổi khung hình phạt thấp hơn so với mức đề nghị trong cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân hay thắng kiện bảo vệ tài sản hợp pháp của mình); hỗ trợ học phí cho 171 viên chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn tham gia khóa đào tạo nghề luật sư, góp phần củng cố nguồn nhân lực thực hiện trợ giúp pháp lý…; tổ chức 159 lớp tập huấn cho 15.640 nhằm nâng cao kỹ năng hành nghề cho đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý.

Đưa pháp luật tới đồng bào thiểu số. Nguồn: baophapluat.vn
Đưa pháp luật tới đồng bào thiểu số. Nguồn: baophapluat.vn

Cũng trong giai đoạn này, các trung tâm trợ giúp pháp lý đã nhận được 6.812 cuộc gọi yêu cầu trợ giúp pháp lý thông qua đường dây nóng để được giải đáp, hướng dẫn pháp luật. Ngoài ra, các địa phương đã thực hiện xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên đài truyền thanh xã (với hơn 20.000 chuyên trang, chuyên mục) và tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở (6.090 đợt với 409.129 người tham dự) nhằm giúp người dân biết và sử dụng dịch vụ trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu.

Thêm hoạt động, rõ trách nhiệm tài chính

Kế thừa Quyết định số 32/2016/QĐ-TTg ngày 8.8.2016, dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người thuộc hộ nghèo, người được trợ giúp pháp lý giai đoạn 2023 - 2030 bổ sung các hoạt động trợ giúp pháp lý theo phương châm đưa trợ giúp pháp lý về cơ sở. Đặc biệt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, nhất là các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách trong thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người dân ở những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, dự thảo Quyết định xác định tiếp tục thực hiện vụ việc tham gia tố tụng phức tạp hoặc điển hình.

Dự thảo Quyết định quy định rõ việc hỗ trợ viên chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư và cam kết làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý ít nhất 5 năm kể từ khi đào tạo về. Quy định về cam kết 5 năm làm việc trong lĩnh vực trợ giúp pháp lý là để bảo đảm tối đa nguồn lực dành cho công tác trợ giúp pháp lý, tránh lãng phí kinh phí đào tạo cho đội ngũ này vì sau khi đào tạo nghề luật sư phải mất thêm 1 năm tập sự và thi đạt mới được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý để thực hiện cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân.

Dự thảo Quyết định cũng quy định cụ thể hơn đối với các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở. Các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý tại địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao gồm: xây dựng, cung cấp các tài liệu, chương trình truyền thông về trợ giúp pháp lý để phát hành, phủ sóng các địa bàn thuộc phạm vi thụ hưởng.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4, Thông tư số 59/2020/TT-BTC quy định về chi làm mới, sửa chữa băng rôn, pa nô, áp phích tuyên truyền về hoạt động trợ giúp pháp lý và mức chi được quy định theo pháp luật hiện hành về đấu thầu mua sắm thường xuyên. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tiễn của các địa phương ở miền núi, vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại khó khăn, chỉ số giá tiêu dùng, mức lương cơ sở tăng và để tạo thuận lợi cho địa phương trong việc lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí triển khai Quyết định, dự kiến mức chi cho hoạt động này là 4.000.000 đồng/xã, thôn/lần (2 lần/giai đoạn).

Để khắc phục những điểm nghẽn trong ngân sách, nhất là đối với các địa phương chưa tự cân đối được, dự thảo Quyết định quy định: ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thực hiện các hoạt động: Thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng phức tạp, điển hình; hỗ trợ viên chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tại các địa phương có huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đủ điều kiện tham gia khóa đào tạo nghề luật sư…

Ngân sách địa phương bảo đảm thực hiện các hoạt động như: tổ chức các đợt truyền thông về trợ giúp pháp lý ở cơ sở; xây dựng, phát chuyên trang, chuyên mục về trợ giúp pháp lý bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc trên đài phát thanh, truyền thanh cấp xã hoặc cấp huyện; đặt bảng thông tin (điện tử hoặc thông thường), hộp tin về trợ giúp pháp lý tại Ủy ban nhân dân xã, nhà văn hóa thôn.