Quán triệt Nghị quyết 11, thời gian qua, các Bộ, cơ quan và địa phương đã tập trung chỉ đạo, tích cực xây dựng chương trình hành động và triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra và đạt được những kết quả tích cực. Bước đầu, Nghị quyết 11 đã có hiệu ứng tích cực đối với nền kinh tế và được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần thúc đẩy sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra; sản xuất nông nghiệp đã vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển ổn định; các hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển mạnh; an sinh xã hội được bảo đảm, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững. Nổi bật là tổng kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 18,8 tỷ USD, tăng khoảng 29,7% so với cùng kỳ năm 2010, gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đã được QH thông qua; thị trường tiền tệ tương đối ổn định, trong đó dự nợ tín dụng tăng 3,41%, lãi suất huy động VNĐ bình quân ở mức 13,04%/năm...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn tồn tại những khó khăn trong quý I như tình hình kinh tế vĩ mô chưa ổn định, mặt bằng lãi suất tín dụng vẫn ở mức cao, giá cả tiếp tục biến động… làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Trên tinh thần này, các thành viên Chính phủ kiến nghị, các Bộ, ngành và địa phương cần nhanh chóng ban hành và triển khai có hiệu quả chương trình hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết 11; chủ động xử lý theo thẩm quyền những vấn đề phát sinh, hoặc kịp thời báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xử lý nhằm tháo gỡ những vướng mắc.
Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao tinh thần triển khai nghiêm túc Nghị quyết 11 trong thời gian vừa qua. Thời gian tới, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục làm tốt công tác quán triệt, triển khai Nghị quyết 11 bằng những kế hoạch, hành động cụ thể. Theo đó, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng; chống đô la hóa, vàng hóa; quản lý chặt chẽ thị trường vàng, ngoại hối và thực hiện lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh ngoại tệ trái pháp luật. Đi liền với đó là bảo đảm đủ nguồn ngoại tệ để bán cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu hợp lý, đồng thời bảo đảm đủ nguồn cung ngoại tệ đối với việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành địa phương quyết liệt thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh xuất khẩu và giảm nhập siêu; các Bộ, ngành và địa phương cương quyết cắt giảm đầu tư công, dừng những khoản chi chưa cần thiết và thực hiện tiết kiệm điện như điện quảng cáo, điện đường...