Nâng chế độ đãi ngộ
Theo Nghị quyết được thông qua, phạm vi điều chỉnh gồm: Nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú (tính từ lần phong tặng thứ nhất năm 2015 và các lần phong tặng tiếp theo) hiện còn sống và thực hiện các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Các Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội đảm bảo các điều kiện: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền TP Hà Nội cho phép thành lập theo các quy định hiện hành; là nơi Nghệ nhân và người tham gia thực hành, trình diễn, truyền dạy, bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh vào danh sách (di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia...
Nghị quyết cũng quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ một lần đối với Nghệ nhân Nhân dân được Chủ tịch Nước phong tặng danh hiệu là 40 triệu đồng; với Nghệ nhân Ưu tú được UBND thành phố phong tặng danh hiệu là 30 triệu đồng.
Về chế độ hỗ trợ đối với Câu lạc bộ tiêu biểu, cụ thể: Hỗ trợ lần đầu khi Câu lạc bộ được thành lập để mua sắm trang thiết bị, đạo cụ 50 triệu đồng/câu lạc bộ; hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm cho các Câu lạc bộ tiêu biểu hoạt động thường xuyên, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn đạt hiệu quả 20 triệu đồng/câu lạc bộ/năm.
Chế độ hỗ trợ đối với nghệ nhân, người kế cận nắm giữ di sản tham gia thực hành, trình diễn, truyền dạy, bảo vệ, phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa phi vật thể ở mức 80.000 đồng/người/buổi thực hành, tập luyện; mức 200.000 đồng/người/buổi biểu diễn phục vụ quảng bá, giới thiệu giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể theo chương trình, kế hoạch của cấp có thẩm quyền.
Với nghệ nhân truyền dạy và người tham gia thực hành theo chương trình, kế hoạch của cấp có thẩm quyền tổ chức hỗ trợ mức 500.000 đồng/người/buổi Nghệ nhân Nhân dân truyền dạy; bồi dưỡng mức 300.000 đồng/người/buổi truyền dạy với Nghệ nhân Ưu tú. Mức hỗ trợ tiền nước uống cho cả nhóm này có mức chung là 20.000 đồng/người/buổi.
Nghị quyết cũng quy định chế độ hỗ trợ đối với nghệ sỹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú”. Theo đó, đối tượng áp dụng gồm: Nghệ sỹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú” (do Hội đồng xét tặng “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú” TP Hà Nội đề xuất và được Chủ tịch nước phong tặng). Mức chi hỗ trợ một lần đối với “Nghệ sỹ nhân dân” là 20 triệu đồng/người; Đối với “Nghệ sỹ ưu tú” mức hỗ trợ này là 15 triệu đồng/người.
Việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ với nghệ sỹ là cần thiết
Trước đó, trình bày Tờ trình, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết: TP Hà Nội là đơn vị có số lượng Nghệ nhân được Chủ tịch Nước phong tặng các danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú nhiều nhất cả nước. Sau 3 đợt phong tặng (năm 2015, năm 2019 và 2022), thành phố có 131 nghệ nhân với 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú. Các nghệ nhân là người nòng cốt, sinh hoạt, tổ chức truyền dạy, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, hình thành các câu lạc bộ tại địa phương, được cộng đồng tôn vinh. Cộng đồng này đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội.
Theo khảo sát, đánh giá, dự kiến đến năm 2030 trên địa bàn thành phố có thể kiện toàn và đưa vào hoạt động khoảng 50 - 60 Câu lạc bộ đạt đủ điều kiện được quy định tại Nghị định 45 và các tiêu chí về Câu lạc bộ tiêu biểu.
Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có gần 200 nghệ sỹ, diễn viên được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân”, “Nghệ sỹ ưu tú”. Năm 2021, Hội đồng xét chọn TP Hà Nội thống nhất đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng đối với 44 nghệ sỹ, trong đó có 10 cá nhân đề nghị danh hiệu “Nghệ sỹ nhân dân” và 28 cá nhân đề nghị phong tặng “Nghệ sỹ ưu tú”.
Đây là những nghệ sỹ tài năng, có nhiều thành tích, cống hiến cho nghệ thuật Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, đời sống vật chất hiện nay của phần lớn nghệ sỹ, diễn viên Thủ đô còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết hỗ trợ với nghệ sỹ là cần thiết nhằm động viên, khuyến khích kịp thời họ yên tâm công tác, nỗ lực hơn nữa trong sáng tạo nghệ thuật, để họ cống hiến lâu dài cho sự nghiệp phát triển văn hóa, nghệ thuật và phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Báo cáo thẩm tra về Tờ trình của UBND thành phố, Trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND thành phố Nguyễn Thanh Bình nhận định: Hồ sơ UBND thành phố trình HĐND thành phố đảm bảo theo quy định, đã thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Việc UBND thành phố trình HĐND thành phố quyết định các nội dung, mức chi chế độ đãi ngộ, hỗ trợ là phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật ngân sách nhà nước năm 2015, các nghị định của Chính phủ và thông tư, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.