Tại cuộc làm việc, đại diện Sở Y tế TP. Cần Thơ cho biết, Cần Thơ hiện có 99 doanh nghiệp bán buôn thuốc, 889 nhà thuốc, 353 quầy thuốc và 40 cơ sở bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền và 5 cơ sở sản xuất thuốc.
Thời gian qua, ngoài những thuận lợi cho hoạt động ngành dược trên địa bàn thành phố, còn mộ số nội dung quy định trong Luật Dược chưa được thực hiện đồng bộ như quy định về việc kê đơn và bán thuốc theo đơn; các quy định về kinh doanh lĩnh vực dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Dược chưa kịp thời, đồng bộ; Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thật sự có hiệu quả cao; Một số ít tổ chức, cá nhân hành nghề dược chưa tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật (còn tình trạng bác sĩ vừa kê đơn, vừa bán thuốc hoặc các cơ sở bán lẻ bán thuốc kê đơn khi không có đơn thuốc của bác sĩ). Người dân có tình trạng mua thuốc theo toa của người khác có bệnh gần giống hay kê khai triệu chứng bệnh để người bán thuốc tự chẩn bệnh và lấy thuốc.
Đại diện các bệnh viện, công ty dược trên địa bàn TP. Cần Thơ cũng phản ánh khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc; hoạt động sản xuất những loại dược phẩm đơn giản như cồn y tế, oxy già, mỹ phẩm…. cũng gặp nhiều khó khăn do một số quy định trong các Thông tư chồng chéo nhau. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các dược sĩ mới ra trường mất 24 tháng là quá dài. Quy định giá bán một số loại thuốc thặng dư không được phép cao hơn quá 2% so với giá nhập vào cũng chưa phù hợp vì nhà thuốc còn phải đóng thuế, phí mặt bằng, nhân lực, điện nước, hao hụt… Quy định nhà thuốc bệnh viện phải bán các loại thuốc được trúng thầu cũng làm hạn chế các hoạt động của nhà thuốc bệnh viện, không đáp ứng được nhu cầu chữa bệnh của người dân.
Đại diện Sở Y tế Cần Thơ kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9.10.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực dược để khuyến khích sản xuất và sử dụng thuốc sản xuất trong nước, chuẩn hóa điều kiện kinh doanh thuốc, quản lý giá thuốc, hướng dẫn chi tiết về đấu thầu cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đảm bảo việc cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế có chất lượng tốt với giá hợp lý đáp ứng nhu cầu điều trị an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, có chính sách hỗ trợ các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chiến lược phát triển ngành dược ở các địa phương; chú trọng đào tạo phát triển nâng cao năng lực nguồn nhân lực dược, đặc biệt là dược sĩ dược lâm sàng để đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý trong bệnh viện; Hỗ trợ TP. Cần Thơ xây dựng Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm TP. Cần Thơ thành Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm của khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Phát biểu tại cuộc khảo sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết, với mục tiêu đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về dược, nhận diện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hệ thống pháp luật cũng như tổ chức thực hiện nhằm kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường hiệu quả triển khai thực hiện về lĩnh vực này, trong đó có phát triển công nghiệp dược, Ủy ban Xã hội sẽ ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của ngành dược và Sở Y tế Cần Thơ nhằm phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.