Nam thiên nhất trụ
Theo tinh thần văn bia, dựng Nam thiên nhất trụ phải tuân thủ khuôn mẫu Thăng Long nhất trụ ở Hà Nội, năm 1958, hòa thượng Thích Trí Dũng và các đệ tử đã lập nên chùa Một Cột ở miền Nam, gọi là Nam thiên nhất trụ (Một trụ chống trời Nam) tọa lạc tại đường Đặng Văn Bi, P.Bình Thọ, Q.Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, trên diện tích rộng khoảng 7.000m2, do kiến trúc sư Nguyễn Gia Đức vẽ thiết kế. Chùa được xây dựng với mục đích vừa là di tích lịch sử vừa là danh lam thắng cảnh cốt để các tín ngưỡng phương Nam chiêm ngưỡng lễ Phật, nhớ về cội nguồn tổ tiên, hun đúc hy vọng quốc thái dân an, quê hương hưng thịnh.
Nam thiên nhất trụ được xây dựng theo kiến trúc của các chùa chiền cổ ở miền Bắc, từ rui kèo, trính, xuyên, mái ngói... đến những đường nét hoa văn bài trí cũng như cách bố trí thờ phượng. Trụ chùa đúc vĩnh cửu bằng ximăng cốt thép, mái lợp ngói uốn cong như chùa Một Cột Hà Nội, nhưng thấp và nhỏ hơn. Nhìn từ cổng tam quan, Nam thiên nhất trụ được xây dựng nằm giữa lòng hồ Long Nhãn (hồ Mắt Rồng), với diện tích mặt hồ khoảng hơn 600m2. Ngôi chùa được đặt trên một cột cao khoảng 12m. Trên mặt hồ, ngôi chùa vươn lên với ý niệm cao cả, vừa tạo nét gần gũi tinh khiết, vừa tạo nên không gian thanh tịnh.

Phía sau Nam thiên nhất trụ là chánh điện, nhà Tú ân, giảng đường và nhà lưu niệm. Ngoài ra, chùa còn có tượng Đức Địa Tạng đúc bằng 61kg kim loại quý, tượng Phật Di Đà đồ sộ, tượng Phật Thích Ca ngồi thiền dưới cội bồ đề... để du khách chiêm bái.
Thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước, Nam thiên nhất trụ là nơi nhiều chiến sỹ, cán bộ cách mạng thường xuyên lui tới hội họp, bàn bạc hoặc ẩn nấp. Còn hiện nay, chùa Một Cột được xem như một biểu tượng của tinh thần đoàn kết Bắc- Nam. Có người nói: “Ngắm Nam thiên nhất trụ ta có cảm giác: dù ở đâu, bao giờ, người miền Nam vẫn “thương nhớ đất Thăng Long”.
Theo Đại đức Thích Tâm Kiên, trụ trì chùa Một Cột ở Hà Nội, ngoài Nam thiên nhất trụ, còn có Tây thiên nhất trụ ở Cần Thơ, chùa Phổ Chiếu ở Hải Phòng, chùa Đào Xuyên ở Gia Lâm, Hà Nội... cũng xây dựng phỏng theo kiến trúc chùa Một Cột.

Thế giới có bản sao chùa Một Cột!
Ở ngoài biên giới lãnh thổ Việt Nam đã và đang có những bản sao chùa Một Cột Hà Nội, như ở công viên Cửa sổ nhìn ra thế giới (Window of the World park) tại Trung Quốc và Bảo tàng châu Á và Thái Bình Dương (Museum of Asia and the Pacific) tại Warsaw, Ba Lan. Tại ấn Độ, tiểu bang Bihar, hai ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự và chùa Viên Giác cũng xây dựng chùa Một Cột...

Một phiên bản chùa Một Cột cũng đã được dựng lên tại Công viên Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam ở tỉnh Khonken, Thái Lan. Các quan chức địa phương miêu tả công trình này là biểu tượng của tình hữu nghị giữa nhân dân Thái Lan và Việt Nam, đặc biệt là giữa người dân tỉnh Khonken và cộng đồng người Việt tại Thái Lan. Ngôi chùa cũng mang ý nghĩa to lớn khi nó hiện diện tại Thái Lan, giúp củng cố quan hệ hữu nghị song phương son sắt giữa hai nước. Được coi là biểu tượng của Việt Nam, chùa Một Cột cùng với Công viên Hữu nghị Thái Lan - Việt Nam tôn vinh các giá trị văn hóa cũng như những điểm tương đồng về lịch sử, tôn giáo và lối sống giữa người dân hai nước. Chùa được xây dựng từ tháng 8.2007, với kinh phí 1,7 triệu bath, trong đó 1 triệu bath là được hiến tặng... Đầu năm 2008, để lôi cuốn khách du lịch, tỉnh Chieng Mai, miền bắc Thái Lan cũng xây dựng và hoàn tất một ngôi chùa Một Cột, đồng thời rất nhiều tờ báo, cơ sở văn hóa, trang web, logo và biểu tượng của họ có biểu tượng chùa Một Cột.
Nhiều người nước ngoài sau khi đến xem các bản sao chùa Một Cột đều mong muốn được một lần tận mắt đến xem ngôi chùa Một Cột nguyên bản tại Hà Nội. Vì thế, việc tu bổ, giữ gìn nguyên bản ngôi chùa độc đáo này là điều cần thiết.
PV tổng hợp