Từ chứng nhân của lịch sử dân tộc…
Từ thượng nguồn - dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, những dòng nước đầu tiên được vắt ra từ khô cằn, từ cát sỏi, từ mồ hôi của đất… rỉ rách, nhóm góp tạo nên dòng Thạch Hãn miên man, thao thiết chảy, miệt mài bồi đắp, tắm mát cho đất làm nên hạt lúa, hạt ngô; sản sinh những con cá, con tôm… nuôi sống con người.

Thạch Hãn là con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị, vì thế trong thư tịch còn được gọi là sông Quảng Trị, còn dân Quảng Trị từ xưa quen gọi là sông Thạch Hàn, hay còn gọi là sông Hàn: “Chẳng thơm cũng thể hương đàn/Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra". Xưa, nhà Nguyễn đã am tường sự lợi hại của “dòng sông đá” này như một hào thành tự nhiên bảo vệ thành Quảng Trị. Vì thế, không phải ngẫu nhiên, vào thời nhà Nguyễn, dòng sông Thạch Hãn được đúc lên Cửu Đỉnh cao quý, nơi mà các giá trị thiên nhiên bậc nhất đất nước được xưng danh.
Không chỉ là con sông huyền thoại, Thạch Hãn còn là “dòng sông lịch sử”. Quảng Trị - vùng đất đã trải qua bao nhiêu cuộc chiến tranh trận mạc, mất mát, ly tan… và dòng Thạch Hãn như một chứng nhân của lịch sử dân tộc. Ấy là thời sơ đầu thế kỷ XIII, Huyền Trân Công Chúa phải hy sinh bản thân mình để về làm dâu đất Chăm Pa với một câu chuyện tình đầy nước mắt rung cảm biết bao thần dân đất Việt, để đổi lấy châu Ô, châu Lý, đổi lấy vùng đất của Quảng Trị và Thừa Thiên Huế ngày nay.
Ngược về thế kỷ XVI, trên đường Nam tiến để mở mang bờ cõi, chúa Nguyễn Hoàng đã chọn một ngôi làng bên dòng Thạch Hãn thuộc huyện Đăng Xương để định đô, lập nên Dinh Cát (trấn Ái Tử), Dinh Cát trở thành biểu tượng tỏ rõ nhất cho khát vọng mở mang bờ cõi về phương Nam của nước Việt.
Bên dòng Thạch Hãn, vẫn còn đó Nghĩa Trũng Đàn, ngôi mộ tập thể chôn hàng ngàn xác lính quân Tây Sơn sau khi bắc tiến dẹp tan kẻ thù phương bắc, phải bỏ xác trên đường về và được chôn cất bên dòng Thạch Hãn đau thương…
Và còn nhiều sự kiện lịch sử khác của dân tộc gắn với sông Thạch Hãn, gắn với vùng đất Quảng Trị anh hùng...
… đến ký ức của một thời “máu và hoa”
Lịch sử là dấu ấn, là sự tiếp nối và tri nhận... Có những sự kiện lịch sử chỉ được nhắc một vài dòng trong một cuốn sách giáo khoa, nhưng có những sự kiện lịch sử có đến hàng ngàn trang giấy, hàng trăm cuốn sách viết mà không thể nói hết... “Quảng Trị - mùa hè năm 1972 - mùa hè đỏ lửa” là một sự kiện như thế. 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã trở thành 81 ngày đêm huyền thoại, với hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Và trong 81 ngày đêm ấy, dòng sông Thạch Hãn đã là chứng nhân của bao cuộc chuyển quân vào tiếp viện cho Thành cổ. Dòng sông xanh và bờ bãi xanh nhuộm một màu máu đỏ của những người anh hùng đã không tiếc mình xả thân cho Tổ quốc.
Thuật lại câu chuyện chiến đấu bảo vệ Thành cổ, anh hướng dẫn viên xúc động nghẹn lời: Cứ mỗi đêm có một đại đội vượt dòng Thạch Hãn vào tiếp viện cho Thành cổ thì đến sáng hôm sau chỉ còn lại vài người sống sót. Bao chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông này. 50 năm trước, dòng sông Thạch Hãn như một người mẹ đã ôm trọn trong lòng những người con bất tử. Và kể từ đó, Thạch Hãn trở thành “dòng sông nghĩa trang” chảy trong lòng dân tộc - một dòng sông chảy tràn trong ký ức mỗi người dân đất Việt.
Thạch Hãn đã hằn sâu trong ký ức của những người đã từng đối mặt với cái chết vì chân lý và lẽ phải, những người mà họ thừa biết “vào sinh - ra tử” nhưng chẳng bao giờ lùi bước. Nhà báo, nhà thơ, nhà nhiếp ảnh Lê Bá Dương là một trong những người lính từng chiến đấu, sát cánh cùng đồng đội trên chiến trường Quảng Trị. Ông đã nói hết nỗi lòng của những chiến sĩ Thành Cổ với những đồng đội đã hy sinh trên sông Thạch Hãn: Đò lên Thạch Hãn xin…chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi, mãi ngàn năm. Ông cũng được người dân Quảng Trị nhắc đến rất nhiều. Họ coi ông là người khơi nguồn cho lễ hội thả hoa trên dòng sông thiêng vào những ngày tháng 7 hằng năm.
Quảng Trị, những ngày đầu hạ - tháng tư, trời chuyển nắng nóng. Cũng như bao người con đất Việt, chúng tôi tìm về với Thành cổ Quảng Trị để “thắp nén nhang viếng người nằm dưới cỏ” - đến với dòng Thạch Hãn để thả những bè hoa và thắp ngọn nến tri ân...
Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã yên bình được mấy chục năm. Thạch Hãn - dòng sông linh thiêng vẫn miệt mài và thao thiết chảy…, chảy tràn trong ký ức người Việt Nam. Ký ức về những năm tháng ác liệt của chiến tranh - ký ức về một thời máu và hoa - ký ức về những người đã ngã xuống không tiếc tuổi 20 vì đất nước, vì nhân dân, vì cuộc sống yên bình hôm nay...