Cần ban hành 130 văn bản để quy định chi tiết các luật, nghị quyết
Báo cáo tại Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV chiều nay, 25.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cho biết, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ Tám của Quốc hội, các bộ đã khẩn trương nghiên cứu, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch để triển khai thi hành các luật, nghị quyết (Luật Điện lực, Luật Dữ liệu).
Một số bộ xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ trưởng để triển khai thi hành các luật và đang thực hiện việc lấy ý kiến của các bộ ngành có liên quan (Luật Công chứng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam…).
Để kịp thời đưa các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua đi vào cuộc sống, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ biến luật, nghị quyết. Các bộ chủ trì soạn thảo tổ chức biên soạn Tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản các luật mới để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia. Các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện cập nhật, đăng tải toàn văn nội dung văn bản lên Cổng/Trang thông tin điện tử để cán bộ và nhân dân dễ tiếp cận.
Sau khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ Tám, các bộ đã chủ động rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19.12.2024).
Theo đó, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải ban hành 130 văn bản. Trong đó, có một số luật phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết như Luật Điện lực (29 văn bản), Luật sửa 9 Luật trong lĩnh vực tài chính (15 văn bản), Luật Di sản văn hóa (16 văn bản)…
Đến nay, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, một số bộ đã chủ động soạn thảo và có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định nhằm bảo đảm tiến độ, thời hạn trình ban hành văn bản quy định chi tiết.
Bộ Tư pháp đã chủ động phối hợp với các bộ rà soát, gửi thông báo đến Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những nội dung luật, nghị quyết giao chính quyền địa phương quy định chi tiết. Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải ban hành văn bản để quy định chi tiết 3 nội dung được giao tại Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Riêng Ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng phải ban hành văn bản để quy định chi tiết 1 nội dung được giao tại Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng.
Khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội đang bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại
Về các nhiệm vụ trong công tác xây dựng pháp luật thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nhất là quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đặt mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhằm góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa, phát triển.
Triển khai thực hiện chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền về đổi mới mạnh mẽ tư duy trong công tác xây dựng pháp luật; chống lãng phí và đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh, Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".
Việc lập và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm phải trên cơ sở thực tiễn và thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng; góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, khẩn trương đưa các nguồn lực xã hội đang bị đình trệ, lãng phí hoạt động trở lại; tạo hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới.
Khẩn trương gửi kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ; trong đó, đối với việc sửa đổi các luật liên quan đến tên, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan sẽ thay đổi sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thì sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ để đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung, đồng thời với việc quyết định bổ sung vào Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi các văn bản nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền; đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân.
Khẩn trương đề xuất sửa đổi hoặc sửa đổi theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật theo kết quả rà soát của Tổ công tác, thực hiện Đề án 06 và cắt giảm thủ tục hành chính.
Về công tác triển khai thi hành các luật, các bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ động ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội.
Tập trung nguồn lực ban hành đúng tiến độ 83 văn bản quy định chi tiết các luật đã được thông qua từ Kỳ họp thứ Bảy trở về trước và ban hành đúng tiến độ 130 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, nhất là 69 văn bản quy định chi tiết các luật hoặc nội dung có hiệu lực trong tháng 12.2024 và đầu năm 2025.
"Với khối lượng văn bản cần ban hành rất lớn trong khoảng thời gian ngắn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải cùng "chung tay", góp sức và nâng cao trách nhiệm trong việc phối hợp soạn thảo, thẩm định, cho ý kiến nhằm ban hành các văn bản bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực đồng thời với luật, nghị quyết", Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.