Nhà máy điện sinh khối sẽ được xây dựng trên diện tích khoảng 10ha với tổng vốn đầu tư dự kiến từ 100 đến 120 triệu USD. Dự án này cũng nhận được sự hỗ trợ từ Bộ Môi trường Nhật Bản và nhận được quyết định cấp hỗ trợ tài chính theo cơ chế JCM cho hạng mục thiết bị của dự án.

Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu đi vào hoạt động trong đầu năm 2027, phát điện với công suất 50 MW, trong đó cung cấp khoảng 45 MW nguồn điện tái tạo ổn định cho hệ thống truyền tải điện của EVN. Nhiên liệu sử dụng tại nhà máy phát điện này là khoảng 500.000 tấn/năm các loại phế liệu, phụ phẩm từ gỗ.
Theo Erex, tập đoàn đang xây dựng nhà máy phát điện sinh khối thương mại đầu tiên tại Việt Nam với công suất 20MW tại tỉnh Hậu Giang, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024. Đây cũng là dự án nhận được hỗ trợ tài chính theo cơ chế JCM từ Bộ Môi trường Nhật Bản. Đại diện Erex cho biết tập đoàn đang có kế hoạch triển khai hơn 1.000MW điện sinh khối tại 18 địa điểm.
Đại diện của Erex tin tưởng rằng các nhà máy điện sinh khối sẽ góp phần thúc đẩy cho việc phát triển kinh tế địa phương và khu vực, đồng thời đóng góp to lớn cho sự phát triển công nghệ và thúc đẩy năng lượng sinh khối tại Việt Nam và cũng sẽ trở thành các dự án thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ trao Quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, đây là dự án điện đầu tiên được cấp chủ trương đầu tư sau khi Quy hoạch điện VIII của Việt Nam được phê duyệt. Đây cũng là dự án thứ 2 của Công ty cổ phần EREX được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư để đầu tư tại tỉnh Yên Bái.
Dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của tỉnh Yên Bái, phù hợp với chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng Việt Nam về mức 0 vào năm 2050. Phù hợp với sáng kiến “Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á" (AZEC) của thủ tướng Chính phủ Nhật Bản Fumio Kishida nhằm thúc đẩy việc cắt giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững ở châu Á.

Theo thống kê Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay tỉnh Yên Bái có 60 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Giấy chứng nhận đầu tư đang triển khai hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 415,4 triệu USD, tương đương khoảng 10.176 tỷ đồng. Chủ yếu trong các lĩnh vực chế biến nông, lâm nghiệp; chế biến khoáng sản; công nghiệp dệt may.
Có 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhà đầu tư Nhật Bản được cấp Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư /Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đang triển khai hoạt động, với tổng vốn đăng ký đầu tư 218,3 triệu USD, tương đương khoảng 5.348 tỷ đồng (bằng 52.6% tổng số vốn FDI đăng ký toàn tỉnh).
Nhật Bản là thị trường xuất khẩu truyền thống của Yên Bái với các mặt hàng: Măng tre, khoáng sản, các sản phẩm từ gỗ, sản phẩm may mặc với kim ngạch xuất khẩu bình quân 3 năm gần đây đạt 5,5 triệu USD/năm. Từ năm 2017 đến nay, Yên Bái đã đưa hơn 600 lao động xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.