Số hoá dữ liệu trong quản lý ngành còn chậm

Làm rõ trách nhiệm của việc chậm số hóa dữ liệu ngành, ảnh hưởng đến tiến độ chuyển đổi số của thành phố là một trong những nội dung được nhiều đại biểu đặt câu hỏi tới lãnh đạo một số sở, ngành trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội Khóa XVI.

Số hóa dữ liệu thông tin quy hoạch chậm gây khó khăn cho doanh nghiệp

Theo đại biểu Đoàn Việt Cường, qua giám sát của HĐND thành phố cho thấy, tiến độ thực hiện nhiệm vụ số hóa dữ liệu trong quản lý ngành theo kế hoạch của thành phố còn chậm, nhất là lĩnh vực quản lý đất đai. Từ 2014 đến nay, chưa hoàn thành số hóa dữ liệu quản lý đất đai, tổng kinh phí bố trí là 1.151 tỷ đồng; đến 15.6.2023, luỹ kế giải ngân mới đạt 419 tỷ đồng. Cùng đó, việc số hóa dữ liệu thông tin quy hoạch chậm dẫn đến gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận thông tin. "Đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp khắc phục?", đại biểu Đoàn Việt Cường cho biết.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Nguyễn Huy Cường cho biết, Hà Nội đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai mang tính thí điểm số hóa dữ liệu đất đai, nhưng lại giải quyết khối lượng công việc lớn. Thành phố bố trí 1.323 tỷ đồng để thực hiện. Trong quá trình thực hiện từ năm 2014 đến năm 2017, thành phố dừng lại 1 năm kiểm tra toàn bộ vấn đề liên quan Bộ thủ tục và quy định về triển khai thực hiện. Sau đó, thành phố tiếp tục giao cho Sở Tài nguyên - Môi trường là cơ quan chủ đầu tư để tổ chức triển khai thực hiện.

Đồng thời, liên quan đến vận hành khai thác bản đồ tổng thể trên hệ thống công nghệ thông tin phần mềm hiện nay của Bộ Tài nguyên - Môi trường đang thực hiện tại 63 tỉnh thành vẫn chưa có bộ phần mềm nào được thực hiện chính thức. Hiện, Sở đã báo cáo Bộ Tài nguyên - Môi trường về vấn đề này. Về biện pháp tổ chức triển khai, ông Nguyễn Huy Cường cho biết, Sở sẽ chú trọng nâng cao chất lượng về công tác cán bộ đáp ứng nhiệm vụ đề ra, song song với việc thực hiện của các cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ.

"Đối với các đơn vị nhà thầu trúng các gói thầu trong quá trình triển khai thực hiện, Sở giao cho các cơ quan chuyên môn chấm dứt một số đơn vị mà không còn đủ năng lực tổ chức thực hiện", Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường nhấn mạnh.

Bài xuất bản ngày 6.7: Việc số hoá dữ liệu trong quản lý ngành còn chậm -0
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh phát biểu làm rõ một số vấn đề tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn

Cũng liên quan đến số hóa dữ liệu ngành, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, từ năm 2021, Sở đã được chỉ đạo xây dựng phần mềm quản lý quy hoạch, niêm yết thông tin quản lý quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng và xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về quy hoạch kiến trúc về cung cấp thông tin. Năm 2022, Sở Thông tin - Truyền thông đề xuất Sở Quy hoạch - Kiến trúc hợp nhất phần mềm cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý quy hoạch chung.

"Từ 2019 - 2021, Sở được cấp kinh phí để số hóa quy hoạch kiến trúc, hệ thống này đến hiện nay vẫn đảm bảo tương thích với toàn bộ các hệ thống quản lý khác. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất hiện nay là bản đồ nền hiện đang được Sở  Tài nguyên - Môi trường xây dựng và triển khai. Trong đó, 3 loại bản đồ tỷ lệ 1:5000, 1:15000 và 1:25000 được cung cấp của Bộ Tài nguyên - Môi trường. Nếu các bản đồ này không được chuẩn hóa nhanh, sẽ không thể đảm bảo tiến độ trong thời gian tới", ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong thời gian qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã cung cấp cho Bộ Xây dựng 71 hồ sơ đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu đã được phê duyệt. Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, Hà Nội đứng thứ 5/63 tỉnh thành về đảm bảo thông tin. Trong 5 năm tới, Sở sẽ thực hiện năm kế hoạch 5 năm và được thành phố ghi vốn 30 tỷ đồng, trong đó bao gồm 7 tỷ cho năm 2023. Hiện nay, Sở đang làm việc với Sở Tài chính và Sở Thông tin - Truyền thông để chuẩn bị đấu thầu, xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thô dựa trên 36 quy hoạch phân khu để bảo đảm thông tin không bị đứt gãy cho doanh nghiệp, tổ chức và người dân cho tới khi phần mềm liên kết được hoàn thành.

Thiếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Luyến cho biết, theo báo cáo của các sở, ngành, quận, huyện và kết quả giám sát của HĐND, các cơ quan hành chính của thành phố hiện đang gặp nhiều khó khăn như thiếu cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT), an toàn thông tin... Điều này ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trong công tác tham mưu, triển khai nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Nội vụ cho biết nguyên nhân trách nhiệm, giải pháp trong thời gian tới? Đồng thời, làm rõ trách nhiệm, công tác phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông trong rà soát, xây dựng lại mô hình vị trí việc làm của cán bộ làm công tác CNTT để phù hợp yêu cầu quản lý biên chế và thực tế ở cơ sở.

Bài xuất bản ngày 6.7: Việc số hoá dữ liệu trong quản lý ngành còn chậm -0
Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh trả lời tại phiên chất vấn

Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh cho biết, đối với chức danh, số lượng, chế độ chính sách cho cán bộ công chức xã, phường, thị trấn, các Nghị định của Chính phủ quy định rõ số lượng. Trên cơ sở đó, UBND thành phố ban hành quyết định phê duyệt vị trí việc làm, trong đó, ở cấp xã không có biên chế chuyên trách CNTT. Đồng thời, trong quyết định khung vị trí việc làm ở Văn phòng HĐND, UBND cấp huyện có vị trí chuyên trách về lĩnh vực này và hiện các quận, huyện đang triển khai, thực hiện.

Theo Giám đốc Sở Nội vụ, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33, quy định cán bộ cấp xã theo hướng xã/phường nào tăng 2/3 dân số theo quy định, được tăng thêm 1 biên chế; nếu diện tích tăng 2/3 so với diện tích quy chuẩn, được tăng thêm 1 biên chế. "Trên cơ sở này, Sở Nội vụ đang nghiên cứu tham mưu, sửa đổi Nghị quyết 08 của HĐND thành phố về số lượng, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã", Giám đốc Sở Nội vụ cho biết.

Cũng liên quan vấn đề này, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết: Sở chịu trách nhiệm xây dựng mạng thông tin chung và hệ thống dữ liệu toàn thành phố. Văn phòng thành phố chịu trách nhiệm duy trì hệ thống giao ban trực tuyến, còn các đơn vị quận huyện, cấp xã chủ động bảo đảm mạng nội bộ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia, thành phố và ngành. Hiện, Sở Thông tin - Truyền thông đã ban hành hướng dẫn cho các đơn vị về mô hình kết nối, sử dụng và bảo đảm an toàn thông tin mạng truyền số liệu chuyên dùng của thành phố, và hướng dẫn cấu hình thiết bị bộ phận tiếp nhận và trả thủ tục hành chính. 

Chuyển động

Hà Nội khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác cán bộ
Chuyển động

Hà Nội khắc phục vướng mắc, bất cập trong công tác cán bộ

Tại Kỳ họp thứ 19, diễn ra sáng 19.11, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua quy định việc chuyển cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn thành cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hà Nội nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công
Chuyển động

Hà Nội nâng cao hiệu quả sử dụng, khai thác tài sản công

Sáng 19.11, tại Kỳ họp thứ 19, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố, theo điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô.

Đoàn giám sát khảo sát khu vực nhà ăn của Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 1
Chuyển động

Sớm thẩm định định mức, đơn giá dịch vụ cho cơ sở cai nghiện ma túy

Gửi kiến nghị đến Đoàn giám sát HĐND tỉnh Lào Cai về thực hiện chính sách, pháp luật về công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh mong muốn, UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành chức năng sớm thẩm định định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ sở cai nghiện ma túy. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, nâng cấp 2 cơ sở cai nghiện ma túy để bảo đảm điều kiện quản lý và tổ chức điều trị, cai nghiện.

Quang cảnh kỳ họp chuyên đề lần thứ 19 HĐND tỉnh Tuyên Quang
Hội đồng nhân dân

Tuyên Quang: Thông qua 6 nghị quyết quan trọng

Chiều ngày 14.11, HĐND tỉnh Tuyên Quang Khóa XIX đã tổ chức Kỳ họp chuyên đề lần thứ 19. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Kim Dung; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thị Minh Xuân; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Thị Thanh Trà chủ tọa kỳ họp.

Đồng Tháp: HĐND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm kế hoạch giải ngân kế hoạch vốn năm 2024
Hội đồng nhân dân

Đồng Tháp: HĐND tỉnh yêu cầu thực hiện nghiêm kế hoạch giải ngân kế hoạch vốn năm 2024

Ngày 14.11, HĐND tỉnh Khóa X đã tổ chức Kỳ họp đột xuất lần thứ Mười để xem xét, giải quyết kịp thời những nội dung quan trọng, cấp bách liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đặc biệt, là nội dung điều chỉnh vốn đầu tư công để bảo đảm chỉ tiêu giải ngân đề ra trong năm.