
Quá trình nghiên cứu 100 năm qua có thể chia thành 2 giai đoạn, với thời điểm đánh dấu là năm 1975. Trước năm 1975, hầu như chỉ có các nhà khoa học nước ngoài nghiên cứu về Sa Huỳnh. Phát hiện đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh là của M.Vinet ở huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi, sau cuộc khai quật đầu tiên vào năm 1923 là hàng loạt các nghiên cứu khác. Tuy họ có những đóng góp đáng kể, song cũng có nhiều sai sót, hạn chế về xử lý di tích, di vật…
Các nhà khoa học Việt Nam chính thức vào cuộc từ năm 1975 đến nay, nhưng đây mới là giai đoạn thu được nhiều kết quả quan trọng. Các nhà khảo cổ đã tiến hành khảo sát, phúc tra lại hầu hết các địa điểm thuộc văn hóa Sa Huỳnh được nghiên cứu trong giai đoạn trước. Đồng thời phát hiện, khai quật hàng loạt điểm mới trên địa bàn từ Hà Tĩnh tới lưu vực sông Đồng Nai theo trục Bắc Nam, và từ đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đến Tây Nguyên theo trục Đông Tây…
- Kết quả lớn nhất về văn hóa Sa Huỳnh mà các nhà khoa học thu được thời gian qua là gì, thưa Ông?
Qua một loạt các cuộc nghiên cứu, các nhà khảo cổ đã xác định được rằng, cùng với văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, văn hóa Đồng Nai ở miền Nam, văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung là một đỉnh cao trong thời đại Kim khí Việt Nam. Đây là một văn hóa khảo cổ thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, tồn tại trong khoảng từ thế kỷ V trước CN đến thế kỷ I, II sau CN, có địa bàn phân bố chủ yếu ở khu vực Nam Trung Bộ.
Các nhà khảo cổ cũng khẳng định được nền văn hóa Sa Huỳnh là một nền văn hóa bản địa, có bản sắc riêng với đặc trưng rất rõ ràng về đồ đá, đồ trang sức, đồ gốm và cả đồ sắt. Khi nói đến văn hóa Sa Huỳnh người ta luôn thấy đó là nền văn hóa mộ chum, có những hiện vật rất độc đáo như khuyên tai 2 đầu thú, khuyên tai có mấu, những chuỗi hạt cườm bằng mã não và thủy tinh. Văn hóa Sa Huỳnh còn có những đồ gốm chất lượng cao, được trang trí hoa văn, tô màu… Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện và chứng minh được nền văn hóa tiền Sa Huỳnh, sau Sa Huỳnh…
- Cuộc khai quật di tích Bãi Cọi, Hà Tĩnh có thể coi là công trình đáng chú ý về văn hóa Sa Huỳnh trong thời gian gần đây?
Cuộc khai quật di tích Bãi Cọi do Bảo tàng Lịch sử Việt Nam thực hiện đã phát hiện một số loại hình gốm và sự xuất hiện của khuyên tai 3 mấu bằng đất nung khẳng định dấu ấn của văn hóa Sa Huỳnh tại di tích Bãi Cọi, vốn nằm trong địa bàn phân bố của văn hóa Đông Sơn. Theo quan niệm trước đây, không gian phân bố của văn hóa Sa Huỳnh trải dài từ vùng Quảng Bình đến Đông Nam Bộ, trên vùng Bắc Trung Bộ không hề có dấu tích của nền văn hóa này. Tuy nhiên, cuộc khai quật di tích Bãi Cọi đã khiến các nhà khoa học có cách nhìn khác.
- Như vậy, văn hóa Sa Huỳnh đã có sự giao thoa với các nền văn hóa cùng thời, thưa Ông?
Văn hóa Sa Huỳnh có giao lưu với văn hóa Đông Sơn ở phía Bắc, với văn hóa Đồng Nai ở phía Nam, giao lưu với văn hóa ven biển và bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sự giao lưu đó thể hiện ở các sản phẩm văn hóa, chẳng hạn các nhà khảo cổ tìm thấy trống đồng Đông Sơn trong khu vực của nền văn hóa Sa Huỳnh. Ngược lại, Sa Huỳnh cũng để lại trong nền văn hóa Đông Sơn những nét đặc trưng nhất như khuyên tai 2 đầu thú ở Xuân An, Hà Tĩnh, khuyên tai 3 mấu ở Làng Vạc, Nghệ An… Ngoài ra, các nền văn hóa còn giao lưu về kỹ thuật chế tác đồ gốm, đồ đá, đồ đồng... Chính vì sự giao lưu này mà có những vùng đệm, vùng trung gian giữa 2 nền văn hóa: Văn hóa Sa Huỳnh có sự giao thoa với văn hóa Đông Sơn ở khu vực Bình Trị Thiên cho đến Hà Tĩnh và giao thoa với văn hóa Đồng Nai ở khu vực Ninh Thuận đến vùng Đông Nam Bộ.
- Xin Ông cho biết hướng nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh trong thời gian tới như thế nào?
Sắp tới, Viện Khảo cổ học VN sẽ phối hợp với các địa phương, trong đó có tỉnh Khánh Hòa thực hiện một loạt cuộc khai quật vùng ven biển Khánh Hòa. Cuộc khai quật này được dự báo rất lớn, diện tích khai quật có thể lên tới hàng vài vạn mét vuông, có thể mang lại những kết quả giá trị cho nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh. Ngoài ra, cũng sẽ có những nghiên cứu sâu hơn nữa để làm sáng tỏ về nền văn hóa độc đáo này.
- Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa Sa Huỳnh, theo Ông chúng ta cần làm gì?
Để bảo tồn di sản văn hóa Sa Huỳnh nói riêng, di sản văn hóa nói chung, điểm hết sức quan trọng là cần xây dựng nền khảo cổ học cộng đồng ở Việt Nam. Hơn nữa, phải có kế hoạch bảo tồn, như xây dựng khu bảo tồn có mái che, được tu bổ hàng ngày. Bảo tồn không phải chỉ là giữ cho di tích đó khỏi bị phá, mà còn phải gắn với tuyên truyền, giáo dục, trưng bày, triển lãm, giới thiệu di sản văn hóa Sa Huỳnh đến công chúng.
Theo tôi, không phải di tích khảo cổ nào cũng phải bảo vệ. Di tích có vai trò đặc biệt, là “linh hồn của đất nước” thì nhất thiết phải giữ lại một phần hoặc toàn bộ. Đối với những di tích có thể khai quật và chuyển về bảo tàng để trưng bày, thì nên làm để ưu tiên phục vụ cho các mục tiêu xã hội khác.
- Xin cám ơn Ông!