Rồng ấp rồng phủ - từ ca dao đến tạo hình

Hình ảnh rồng ấp trên bia đá năm Hoằng Định thứ 12 tại đền vua Lê (Lê - Trịnh)
Hình ảnh rồng ấp trên bia đá năm Hoằng Định thứ 12 tại đền vua Lê (Lê - Trịnh)

Mỗi độ xuân về, những lời hát đồng dao ngộ nghĩnh thủa trước đầy ắp những ước mong:

Xúc sắc xúc sẻ
Nhà nào nhà nấy, còn đèn còn lửa,
Mở cửa cho anh em chúng tôi vào.
Bước lên giường cao, thấy đôi rồng ấp
Bước xuống giường thấp, thấy đôi rồng chầu;
Bước ra đằng sau, thấy nhà ngói lợp.
Voi ông còn buộc, ngựa ông còn cầm,
Ông sống một trăm, thêm năm tuổi lẻ.
Vợ ông sinh đẻ, những con tốt lành,
Những con như tranh, những con như rối.

                             (Súc sắc súc sẻ - Đồng dao)

Trong những con vật xuất hiện trong lời hát vui nhộn ấy, như rồng là linh vật thiêng liêng hiện ra thật gần gũi. Tuy vậy để đi hết chiều sâu văn hóa của người Việt qua câu ca ấy thật không dễ. Nhân ngày xuân thong dong xin góp chuyện rồng ấp rồng phủ.

Cũng liên quan đến hai tư thế ấp và chầu của rồng, trong bài ca của một chàng thợ mộc tài hoa xứ Thanh có đoạn: Bốn cửa anh chạm bốn rồng/ Trên thì rồng ấp dưới thì rồng leo. Vậy rồng ấp là rồng trong tư thế gì và vì sao nó luôn ở vị trí trên cao, ít nhất là cao hơn rồng chầu, rồng leo?

Đồ án rồng trong nghệ thuật cổ truyền bên cạnh những dạng rồng chầu (ngọc báu, nhật nguyệt hay minh văn) thì còn có loại đồ án rồng giao phối với nhau, mà các cụ vẫn gọi nôm là rồng ấp, rồng phủ. Cổ văn gọi đồ án này là giao long (chữ giao đây là giao phối), cũng có giao long với ý nghĩa là một dạng rồng (chữ giao này chỉ một loài vật, viết khác). Dạng đồ án này có đặc điểm chung là đuôi xoắn bện vào nhau ở phần đuôi. Cũng được xin nhắc lại là trong cổ văn, chữ giao vỹ có nghĩa là giao phối. Hiện trong tiếng Việt hiện đại tuy ít thấy nhưng trong các tài liệu viết về hiện tượng sinh sản ở loài tôm người ta vẫn còn dùng từ này.

Trở lại với lời hát đồng dao ngày Tết, đôi rồng ấp trên giường cao tượng trưng cho ước vọng đông con nhiều cháu. Lớp văn hóa ẩn sâu trong lời hát này là tín ngưỡng phồn thực từ xa xưa. Nét văn hóa này không chỉ hiện diện trong ca vè dân gian mà nó thấm vào cả mỹ thuật cung đình. Mặc dù chiến tranh và thiên tai đã hủy hoại phần lớn dấu tích mỹ thuật thời Đinh và Tiền Lê, nhưng những đồ án rồng ấp thời Lý và các triều đại về sau chứng minh sức mạnh trường tồn của văn hóa. Trong khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam trân trọng trưng bày phiên bản một tuyệt tác của điêu khắc thời Lý - cột trụ chùa Dạm. Chùa Dạm, tên chữ là Trần Quang Tự, mà theo các thư tịch cổ, nhân dạo chơi vở Đại Lãm Sơn năm Quang Hựu thứ I (1085) Nguyên Phi Ỷ Lan có ý định xây dựng một danh lam ở đây. Năm 1086, triều đình nhà Lý ra lệnh xây dựng chùa, đến năm 1097 thì hoàn thành. Chùa còn có một tên gọi khác là chùa Trăm Gian vì tương truyền chùa rất uy nghi bề thế, có 100 gian. Cho đến nay, đôi rồng ấp ở cột trụ đá chùa Dạm vẫn đạt kỷ lục về vẻ đẹp tinh tế và sự hùng vỹ. Trong phần nhiều di tích hiện còn thời Lý, rồng thường chỉ ba móng, nhưng có thể vì mang tính chất của một đại danh lam liên quan đến hoàng gia nên con rồng ở đây đủ năm móng. Đồ án rồng ấp là điểm nhấn chính yếu của cây cột đá nguyên khối cao gần 5m. Đôi rồng ấp đuôi quấn vào nhau trong tư thế giao hợp, đầu với mào lửa đặc trưng đang vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng. Từ những dấu vết của các lỗ mộc ta có thể hình dung đây chính là một cột trụ cho đài thờ vẫn thường thấy ở trong nghệ thuật Phật giáo Đông Nam Á. Những ban thờ đặt ngoài trời của người Việt ở miền Trung có thể là một di ảnh của dạng thức kết cấu này. Đôi rồng ấp căng tròn phập phồng xoắn xuýt ôm trọn lấy trụ đá, thấp thoáng đan xen hoa văn cỏ cây xum xuê tươi tốt. Cột trụ đá mọc lên từ khối đất hình nấm được kè bằng hàng hoa văn sóng nước, núi non. Kết hợp từ ý nghĩa đồ án rồng ấp, hoa lá, núi non, sóng nước, chúng ta phỏng đoán những ước nguyện của hoàng gia triều Lý về mưa thuận gió hòa, thịnh trị no ấm.

Đôi rồng ấp chạm trên cột đá chùa Dạm
Đôi rồng ấp chạm trên cột đá chùa Dạm

Dạng thức đồ án rồng ấp còn được thấy trên đôi rồng đá chạm nổi trên bệ bia Sùng Thiện Diên Linh ở chùa Long Đọi (núi Đọi Sơn thuộc xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam) cũng được làm thời Lý (khoảng năm 1122). Cách đó không xa, được làm trước đó vài năm (1117) là chùa tháp Chương Sơn, trên một bệ bia cũng có đôi giao long. Rất tiếc là đầu rồng của hai đồ án nói trên không còn, nhưng điểm chung nhất cho cả ba đôi rồng ấp ở chùa Dạm, chùa Đọi Sơn và chùa Chương Sơn là đuôi rồng cuốn chặt vào nhau, theo kiểu giao vỹ điển hình. Sự hiện diện của đồ án rồng ấp trong các đại danh lam thời Lý phản ánh quan niệm, những lý tưởng tôn giáo gắn bó sâu sắc với những tập tục và tín ngưỡng bản địa.

Sự phố biến của đồ án rồng ấp mang tính phồn thực có thể do những quan niệm của Nho giáo đã khiến dạng đồ án này không còn phổ biến trong mỹ thuật thời sau. Tuy vậy trong ví dụ sau đây về hình tượng rồng ấp trên tấm bia ở đền vua Lê (Hoa Lư, Ninh Bình), chúng tôi muốn minh chứng sức sống dân gian của dạng thức đồ án này. Bia đá niên hiệu Hoằng Định thứ 12 đền vua Lê, tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành hoàng đế bi ký tịnh minh. Cao tổng cộng 167cm, mặt bia cao 108cm, rộng 53cm, dày 44,5cm, bia Trùng tu tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành hoàng đế bi ký tịnh minh làm tới năm thứ Hoằng Định thứ 12 thì khắc xong. Bia ghi lại việc tạo tượng vua Lê Đại Hành, hoàng hậu Bảo Quang (Dương Vân Nga), Lê Ngọa triều hoàng đế. Bia là loại bia vuông, khắc chữ và có hình trạm trổ bốn mặt. Đặc biệt có hình hai con rồng đang phủ nhau.

Ở đồ án rồng giao nhau này, các chân rồng đã bị loại bỏ. Trong tất cả những con rồng trên bia đá ở đền vua Đinh, vua Lê, đây là cặp rồng duy nhất không có chân. Trong dạng thức cổ xưa nhất của đồ án rồng ấp (giao long), từng tìm thấy trên đồ đồng thời Chiến Quốc, các con rồng có dạng xà - long không chân. Sự trở lại của đồ án này ở tấm bia liên quan đến Hoàng hậu Dương Vân Nga và vua Lê Đại Hành cho người viết liên tưởng đến những câu chuyện đồn thổi trong trong dân gian như những vần thơ trong Hoàn Vương ca tích còn lưu truyền ở vùng Hà Nam. Đoạn thơ miêu tả Dương Thái Hậu tình ý với Lê Hoàn tướng quân có những câu thật phong tình:

Vừa qua giờ ngọ thảnh thơi
Hoàn Vương thái hậu mày vơi mắt đầy
Mây thì trải, gió thì bay
Trời xoay thì đất cũng xoay vòng tròn
Láng lai nước đổ chân cồn...

Sự trở lại của đồ án rồng ấp trên tấm bia Hoằng Định thứ 12 là một hiện tượng hiếm hoi trong hệ thống văn bia thời Lê, Nguyễn vốn đề cao Nho giáo. Một điều thú vị là người soạn văn từ cho tấm bia này chính là tiến sỹ Nguyễn Lê, nguyên Đặc tiến kim tử Vinh lộc đại phu, đương chức Hình bộ thượng thư kiêm Đông các Học sỹ, Quốc tử giám Tế tử, Nghĩa khê hầu trụ quốc. Trong những danh hiệu và chức vị rất dài vừa ghi ở trên, đáng lưu ý với chức vị: Quốc tử giám Tế tửu - tạm gọi là Giám đốc Quốc tử giám, trung tâm số 1 của Nho giáo. Điểm khác với các đồ án rồng ấp thời Lý đã miêu tả ở trên, đôi rồng ở đây tuy cuốn quýt nhưng chủ yếu cuộn nhau phần thân, chứ không phải phần đuôi ở tư thế giao vỹ đặc trưng. Dù ít hay nhiều, Nho giáo cũng ảnh hưởng phần nào tới dạng thức đồ án này.

Trên tấm bia Trùng tu tạo tác Thánh tượng tiền triều Lê Đại Hành hoàng đế bi ký tịnh minh còn có sự hiện diện của đồ án rồng yên ngựa lưng võng rất tiêu biểu phong cách mỹ thuật Mạc, cho thấy dấu ấn tạo hình của mỹ thuật thời Mạc vẫn tiếp tục ảnh hưởng nhiều năm sau đó. Một điểm dễ nhận thấy trong văn hóa thời Mạc là sự trỗi dậy mạnh mẽ của văn hóa bình dân, những khát vọng mang tính thế tục còn in đậm trong nghệ thuật chạm khắc đình làng đã lan tỏa sang các không gian văn hóa khác. Hình ảnh hai con rồng cuộn vào nhau trên cột trụ chùa Dạm thời Lý rất có thể đã chuyển hóa thành những ổ rồng lúc nhúc, ngọ nguậy, sinh đàn sinh đống trên hệ thống vì kèo trong các ngôi đình thế kỷ XVII - XVIII.

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.