Lễ hội văn hóa trong tâm thức người Dao
Chúng tôi đến với thôn Khe Bát trước Tết Nguyên đán vài ba hôm, đi dọc thôn đều thấy thanh niên người Dao nào cũng hăng say tập luyện các điệu múa, điệu nhảy, thậm chí còn làm gươm đao bằng gỗ để múa. Hỏi ra mới biết, cả mùa Tết, mỗi người đều phải nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã, vang động khắp bản làng.
![]() Tết nhảy của người Dao |
Theo tục lệ, những ngày đầu năm, người Dao không phải làm gì cả, mà chỉ vui chơi, thăm viếng và chúc tụng lẫn nhau. Tết nhảy là một nghi lễ đặc biệt trong thờ cúng tổ tiên của người Dao Quần Chẹt ở Yên Bái nói riêng và của dân tộc Dao nói chung. Có nhiều dị bản về nguồn gốc của Tết nhảy nhưng nhìn chung đều thống nhất về nội dung cơ bản: trong chuyến di cư vượt biển sang Việt Nam tìm đường sống của con cháu 12 họ Dao, sau nhiều tháng lênh đênh trên biển mà chẳng tới bờ, bất ngờ đoàn thuyền của các họ Dao gặp bão, bị sóng to gió lớn như muốn nhấn chìm thuyền, tính mạng các họ Dao bị đe doạ. Trong cơn nguy cấp, các họ Dao khấn cầu xin Bàn Vương và tổ tiên giúp đỡ vượt qua cơn hoạn nạn, vào đến đất liền an toàn và hứa sẽ làm lễ tạ ơn. Hầu hết các họ Dao hứa làm Tết nhảy. Lời cầu linh ứng, từ đó về sau theo lời hứa, các họ người Dao tổ chức Tết nhảy để tạ ơn tổ tiên nhưng tùy lời hứa của từng họ mà chu kỳ tổ chức Tết nhảy của các họ khác nhau, thường từ 10 - 15 năm/lần.
Người Dao làm Tết nhảy là thể hiện lòng biết ơn đối với tổ tiên và Bàn Vương đã cứu mạng ngoài biển năm xưa; luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống của gia đình, dòng tộc; cầu xin tổ tiên phù hộ, che trở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khỏe, ngày càng làm ăn phát đạt. Nói là cái Tết nhảy của gia đình, nhưng họ hàng, bạn bè, bà con trong thôn, bản đều tụ tập lại giúp đỡ gia chủ.
Tùy theo lời hứa của từng họ mà chu kỳ tổ chức lễ tết nhảy của họ khác nhau. Như nhà ông Triệu Phú Quang, để thực hiện được lời hứa làm lễ Tết nhảy đã phải mất đến 25 năm. Khoảng 3 giờ sáng, không khí của gia đình ông trở nên nhộn nhịn hơn bao giờ hết. Bà con trong thôn đang tập trung giúp gia tộc ông chuẩn bị cái tết nhảy sao cho vẹn toàn nhất. Hồ hởi chia sẻ với phóng viên chúng tôi, ông Quang cho biết, gia đình ông chuẩn bị thì chẳng khó đâu, đơn giản lắm. Đầu năm đã phải gọi tất cả mọi người trong nội tộc về họp bàn, bàn xong thì quyết làm lễ với 5 con lợn, rượu mỗi nhà 20 lít, gà mỗi nhà 1 con. Sau đó thì nhờ các thầy chọn ngày rồi mới mời họ hàng, anh em đến giúp làm bếp.
Ông cũng cho biết, Tết nhảy cũng không cầu kỳ gì, chỉ mời khách, bà con làng xóm cùng tới chung vui chén rượu nồng như ăn Tết cổ truyền, đến hôm sau mới bước vào tổng kết tết nhảy. Tết nhảy để cầu may cho đại gia đình, nội tộc khỏe mạnh, mùa màng bội thu. Ông chia sẻ, toàn anh em trong nội tộc đùm bọc lẫn nhau, do vậy, làm bếp thì nhờ vài người, còn hàng xóm mình phải nhờ họ để họ còn đến nhảy với mình, chung vui với mình. Tết nhảy của người Dao thì phải càng đông mới càng vui, gia chủ mà mời được càng đông người thì mới càng nhiều phúc lộc cho năm mới, mà có như thế mới tổ chức được tết nhảy, chứ chỉ có người nhà, nội tộc thì không thể làm được, ông Quang giãi bày thêm.
![]() Dù đêm đã khuya nhưng ai cũng háo hức xem tết nhảy |
Với Tết nhảy, công việc đầu tiên là thả tranh. Những bức tranh thờ thần linh sẽ được trang trí treo khắp các tường quanh nhà để phục vụ cho lễ tết nhảy. Tục thờ tranh là tục độc đáo của người Dao Quần Chẹt, những bức tranh được người Dao giữ gìn cẩn thận và chỉ được đem ra treo khi nhà có việc lớn. Để treo tranh, chủ gia đình còn phải nhờ anh em hàng xóm láng giềng cùng làm những lễ cụ quan trọng là cờ, rìu hay kiếm bằng gỗ tượng trưng cho những công cụ, vũ khí mà tổ tiên của họ đã dùng để lao động và chống giặc. Kiếm gỗ cũng được trang trí hoa văn để phục vụ cho nghi lễ múa kiếm ngày tết. Dù công việc tất bật, nhưng mỗi người một tay, một chân, trời gần sáng mà trên mặt ai cũng vẫn tươi cười, vui vẻ.
Trong khi những người đàn ông làm nhiệm vụ của họ thì những người phụ nữ cũng tất bật với công việc của mình. Món ăn truyền thống không thể thiếu trong tết nhảy của người Dao đó là bánh giầy. Thoạt nhìn có vẻ đơn giản nhưng để làm ra bánh giầy ngon cũng mất không ít công sức. Để có được bánh giầy thơm ngon, người ta phải dành riêng những hạt nếp thơm sai, hạt mẩy sau mùa thu hoạch. Công đoạn giã bánh được dành cho những người có sức khỏe dẻo dai, có như vậy thì hạt nếp mới nhuyễn và tạo thành một khối trắng dẻo thơm ngon. Những chiếc bánh giầy rắc vừng hay những gói xôi được gói trong lá chuối được xếp thành mâm dâng lên tiên tổ. Đàn cúng của người Dao trong tết năm cũng không quá cầu kỳ nhưng đầy đủ. Đó cũng là mong ước của họ với một năm mới sung túc và ấm no hơn.
Tết nhảy - giá trị văn hóa đặc sắc
Bữa cơm của tết nhanh chóng kết thúc để mở đầu cho lễ khai đàn của tết nhảy. Những thầy cúng múa những điệu múa truyền thống theo quan niệm và trình tự đã được quy định. Trước bàn thờ tổ tiên, các thầy cúng làm lễ khấn xin được làm lễ tết nhảy và kính mời các thần linh, Bàn Vương, gia tiên về dự lễ. Sau lễ khai đàn, các thành viên trong gia đình, anh em, họ hàng cùng nhau múa xập xoàng theo tiếng chuông, tiếng phách. Đây là màn múa mang tính chất vui vẻ, xen kẽ với các nghi lễ múa chính của các thầy. Với điệu múa này, bất cứ ai cũng có thể tham gia.
Tiếp sau điệu múa xập xoàng là điệu múa kiếm, điệu múa ra binh vào tướng, tượng trưng cho tinh thần thượng võ. Để được múa trong nghi lễ ngày, người tham gia phải qua lễ cấp sắc và có sự tập luyện từ trước đó. Những động tác nhảy dứt khoát trong tiếng trống thanh la như tái hiện lại những trang sử vẻ vang của ông cha xưa trong quá trình đấu tranh chống giặc. Mặc dù là điệu múa chính nhưng quy định của điệu múa này cũng không quá nghiêm ngặt. Đó cũng là nét riêng biệt của lễ Tết nhảy so với các ngày lễ khác của người dân tộc Dao.
![]() Thầy cúng đang đọc cho mọi người nghe về lịch sử của tổ tiên để răn dạy con cháu sống đẹp, hướng thiện. |
Khi kết thúc điệu múa kiếm thì cũng là lúc gia đình chuẩn bị vào điệu múa rùa. So với các điệu múa khác trong các phần của Tết nhảy thì múa rùa lạ hơn cả. Nếu như múa xập xoàng đem lại sự vui vẻ thì múa kiếm, múa rùa đòi hỏi phải có sự tập luyện và theo sự hướng dẫn của thầy cúng. Trong thôn lại chỉ có 2 - 3 thầy cúng nên tết nhảy của các gia đình tổ chức rải rác và không cùng một thời điểm, nhưng người Dao có một quy định chặt chẽ là Tết nhảy bao giờ cũng phải tổ chức ở nhà trưởng tộc rồi mới đến các gia đình sau. Tết nhảy diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, trong suốt thời gian diễn ra tết nhảy, các điệu múa diễn ra liên tục, kết thúc bằng một bữa cơm và tiếp tục lặp lại theo chu kỳ cho đến hết. Vì vậy, để tham gia lễ tết nhảy thì người ta phải có thể lực tốt.
Theo quan niệm của người Dao, thực hiện được đầy đủ các nghi lễ này chính là đạt được sự vui vẻ, khỏe mạnh đúng như ý nghĩa ban đầu của nó. Trong tiếng chiêng, trống và thanh la rộn ràng, người xem có cảm nhận được sự hân hoan, tưng bừng của từng người có mặt tại đây và cứ thế, những điệu múa của người Dao Quần Chẹt khiến cho bất cứ ai có mặt tại đây cũng cảm nhận được không khí ấm áp, tràn đầy sức xuân đang đến rất gần.
Sau 3 ngày 3 đêm tham dự tết nhảy múa liên tục với hàng trăm lượt nhảy trong tiếng chuông, tiếng trống giục giã, cứ như vậy diễn ra trong suốt tết nhảy. Tết nhảy của người Dao Quần Chẹt thôn Khe Bát xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái là nét sinh hoạt văn hóa mang tính tổng hợp của các loại hình nghệ thuật dân gian như nhảy múa, âm nhạc, ngôn ngữ. Tất cả đã làm nên điệu đặc sắc, độc đáo, sắc màu riêng của người vùng cao Yên Bái với mong muốn một năm mới ấm no hạnh phúc, mùa màng bội thu.
Điểm đặc biệt tạo nên giá trị của nghi lễ này chính là ý nghĩa của những điệu múa, là một dịp tái hiện lại nguồn gốc xuất xứ của dân tộc Dao từ xưa đến nay, tạo nên lòng tự hào dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên, từ đó có cách sống sao cho xứng đáng với truyền thống tốt đẹp đó để sống hướng thiện, tuyệt đối không được làm điều ác, chăm lo tăng gia sản xuất để năm mới mùa màng bội thu, gia đình khỏe mạnh. Qua lễ tết nhảy của người Dao còn biểu hiện một trình độ thẩm mỹ cao với rất nhiều tranh vẽ, hình cắt giấy trang trí…
Lễ tết nhảy của người Dao là cả một kho tàng văn hóa cổ truyền mang tính giáo dục và giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Đây chính là nét văn hóa điển hình trong đời sống tinh thần của đồng bào người Dao, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa vốn đã đa dạng và phong phú của đất nước ta.