Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2023).

Ranh giới của nghề báo

Những ranh giới phải lựa chọn là sự thú vị của nghề, cũng là thước đo bản lĩnh và sự chuyên nghiệp của nhà báo khi dấn thân vào một công việc chưa bao giờ dễ dàng: nghề báo!

1. Cách đây hơn chục năm, có tòa soạn báo nhận được thông tin kêu cứu từ mẹ một em học sinh lớp 9 bị mấy bạn trong lớp đánh hội đồng đến hôn mê sâu, cả tuần không tỉnh. Phóng viên tiếp cận nhà trường - một mô hình dân lập nhưng đào tạo học sinh theo kiểu "thiếu sinh quân" vốn đang được "đẩy" lên như một cách dạy học và rèn luyện lý tưởng, nơi phụ huynh hoàn toàn yên tâm gửi gắm con em mình vào học nội trú. Dù lãnh đạo trường ra sức chống chế, nhưng những điều không bình thường đã bộc lộ rõ. Em học sinh có mâu thuẫn với mấy bạn học và đã bị đánh hội đồng từ tối hôm trước trong ký túc xá. Đỉnh điểm là 9h sáng hôm sau, em tiếp tục bị đánh dã man ngay giữa lớp học, đến ngất xỉu phải đưa vào viện…

Phóng viên tác nghiệp nơi vùng lũ miễn Trung năm 2020 - Nguồn: VTC14
Phóng viên tác nghiệp nơi vùng lũ miền Trung năm 2020. Nguồn: VTC14

Phóng viên tiếp tục đến bệnh viện, chứng kiến cảnh em học sinh lớp 9 vẫn đang hôn mê với bình thở ô xy. Các bác sĩ nói tình hình sức khỏe của em rất nghiêm trọng và chưa thể nói trước điều gì. Mẹ của em, một phụ nữ ngoài 30 tuổi, góa chồng, nhỏ bé, xanh xao, hấp tấp từ dưới quê lên, dường như vẫn ngơ ngác trước nỗi bất hạnh quá lớn ập lên đầu. Điều kỳ lạ, khi gọi điện đến tòa soạn chị phẫn uất, bức xúc bao nhiêu thì nay chị lại yếu đuối, rụt rè bấy nhiêu khi nói đến những kẻ hành hung con mình, đến trách nhiệm của nhà trường - nơi chị đã trao gửi đứa con trai duy nhất như hy vọng duy nhất của đời mình. Giữ vai trò tiếp chuyện phóng viên chủ yếu là một người đàn ông được giới thiệu là "bác họ" của cháu. Ông bảo, thôi thì chuyện đã rồi, cũng là mấy đứa trẻ đùa với nhau quá tay không may mới nên như thế. Các cháu sắp thi tốt nghiệp, bây giờ làm to chuyện lỡ dở tương lai cả chục đứa trẻ trong khi sức khỏe cháu mình cũng không lấy lại được.

Khi phóng viên ra về, mẹ cháu đi theo nói nhỏ: "Thôi chị xin em. Em không viết may ra chị còn cứu được con. Em mà viết thì cháu chắc sẽ chết". Thì ra, nhà trường đã họp với phụ huynh của chín học sinh đã hành hung con chị và thống nhất điều kiện: nếu chị im lặng không kiện cáo gì thì con chị nằm viện cấp cứu, mọi chi phí họ sẽ lo. Còn nếu chị để lọt thông tin lên báo, thì họ sẽ không có trách nhiệm nữa. Nhà trường cử hẳn một cán bộ, chính là người xưng là "bác họ" để giám sát tình hình.

Bài báo với bao công sức thu thập tư liệu đành bỏ dở. Phóng viên có thể vượt qua cám dỗ lợi ích, sức ép và đe dọa của các "cổ đông" có liên quan, nhưng không nhà báo có đạo đức nào có thể làm trái mong mỏi của người mẹ bất hạnh đang gắng gỏi níu giữ niềm hy vọng cuối cùng của mình. 

2. Lại có trường hợp, phóng viên tìm hiểu tình trạng một cơ sở tái chế nhựa ngay giữa thành phố gây ô nhiễm môi trường. Một cơ sở tự phát, nhà xưởng lọt giữa khu dân cư với mấy chục lao động thủ công, chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy không đạt tiêu chuẩn. Anh chồng đi vắng, chị vợ - một phụ nữ hiền lành, nhỏ bé, thành thật thừa nhận là có ảnh hưởng đến các hộ xung quanh. Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ: đã làm đơn xin thuê đất ở khu công nghiệp vừa và nhỏ ở ngoại thành nhưng chưa được chấp nhận. Tiếp xúc với cơ quan quản lý cấp quận, phóng viên nhận được "lời hứa": cơ sở này sẽ bị đóng cửa ngay nếu công luận lên tiếng, còn thuê địa điểm là việc của Thành phố, ngoài chức năng của quận.

Tuy nhiên, điều quyết định để bài báo không thể lên khuôn lại là một chi tiết “ngoại lệ”. Bà Tổ trưởng dân phố chia sẻ riêng với phóng viên: “Nhà bác ở sát ngay xưởng sản xuất, mùi khói và khét bốc lên suốt ngày rất khó chịu. Chưa kể tiếng ồn ã khiến trẻ con, người già mệt mỏi, ức chế. Nhưng bác chỉ xin các cháu cân nhắc một tí. Nhà này cũng khổ lắm, làm ăn thất bát, anh chồng là một giang hồ chịu án mới hoàn lương, chí thú làm ăn 2 - 3 năm nay. Họ vay mượn tiền tỉ để đầu tư, nếu bây giờ đóng cửa nhà xưởng thì không biết sẽ ra sao?"

Phóng viên tác nghiệp bên hành lang kỳ họp Quốc hội - Ảnh: Quang Khánh
Phóng viên tác nghiệp bên hành lang kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh

Tìm hiểu thêm thông tin từ các hộ xung quanh, đều xác nhận đó là sự thật. Nhiều người nói nếu gia đình họ có chỗ di dời thì họ đã chuyển từ lâu rồi. Nhưng đất chật người đông, xin đất khu công nghiệp quá khó, trong khi họ không có mối quan hệ nhờ vả, lưng vốn thì đang giai đoạn đầu tư chưa thu hồi được mấy nên quá khó khăn.  

Bài báo ấy cũng đành tạm dừng lại. Khi chính những người dân chịu ô nhiễm hàng ngày xung quanh còn biết chia sẻ, cảm thông, khi chưa có giải pháp cơ bản để thay đổi tình hình, thì việc đẩy nhân vật đến bước đường cùng không phải là lựa chọn hợp lý và phù hợp quy chuẩn đạo đức, cho dù việc để khu dân cư ấy tiếp tục bị ô nhiễm cũng chưa đúng với trách nhiệm người làm báo.

3. Một nữ sinh viên ngành truyền hình năm thứ nhất đã xông xáo đi thực tế làm nghề. Cộng tác với một kênh truyền hình của giới trẻ, bạn say sưa với đề tài người lao động ngoại tỉnh với cảnh sống khó khăn, mưu sinh vất vả trên đường phố để gửi tiền về quê nuôi cả gia đình. Với sự cảm thông, chia sẻ, cô sinh viên báo chí ấy đã mất hơn tuần lễ lăn lộn, tìm hiểu hỏi han, theo chân họ từ lúc ra đường với gánh hàng rong, chiếc ghế cắt tóc hay chiếc xe ôm, đến tối mịt lại "mục sở thị" cả bữa ăn, chỗ trọ tù mù điện và thiếu nước, cả chục người lớn ở chung một căn phòng chưa đầy hai chục mét vuông phía ngoài đê…

Hồi hộp với tác phẩm đầu tay, lên kịch bản, viết lời bình, thuyết phục được ban biên tập đưa máy quay đi thực hiện. Đến khi phát sóng thì bất ngờ cô nhận được những cuộc điện thoại đầy phẫn nộ từ phía các "nhân vật" trong tác phẩm. Chuyện đời không đơn giản, chính quyền địa phương cho là hình ảnh nhếch nhác, các lao động ngoại tỉnh này lấn chiếm vỉa hè, gây mất mỹ quan đô thị. Kết quả cả đoạn phố vốn là chỗ mưu sinh của mấy chục người lao động ngoại tỉnh luôn có xe công an túc trực, gánh hàng rong bị đuổi bắt, hàng cắt tóc buộc phải dẹp bỏ. Nhiều lao động dạt sang khu vực khác, một số phải về lại quê vì không còn đất mưu sinh.

Cô sinh viên ấy gọi cho tôi và hỏi: em phải làm thế nào bây giờ? Đằng sau họ là cả chục, cả trăm người chờ tiền gửi về. Tại sao mục tiêu làm phóng sự ấy là để động viên, chia sẻ khó khăn, vậy mà cuối cùng lại đẩy họ đến bước đường cùng? Tôi an ủi, làm sạch vỉa hè, trả lại mỹ quan đô thị là chủ trương chung của thành phố. Tác phẩm của em là đúng và tốt, mọi sự không muốn chỉ là sự trùng hợp tình cờ.

Biết làm sao được, khi tác phẩm và hiệu ứng của nó là chuyện không thể dự liệu một cách giản đơn. Chắc là khi bước vào nghề, với sự dày dặn và trải nghiệm hơn, cô sinh viên truyền hình ấy sẽ ý thức kỹ hơn, cân nhắc đầy đủ hơn về số phận những nhân vật cô sẽ đưa vào tác phẩm. Cô sẽ phải tự đặt mình vào vai của họ, suy nghĩ của họ, nhưng cũng phải suy đoán trước thái độ của nhà quản lý, những người cũng phải chịu sức ép không kém trước dư luận báo chí mỗi ngày. Khi ấy, tác phẩm của cô sẽ chín chắn hơn, đậm đà hơn, sâu sắc hơn - một sự trải nghiệm mà nếu không lăn vào nghề không bao giờ có được. Hoặc giả, tôi cũng tin rằng với 5 - 7 năm say sưa với nghề báo, cô sẽ có thêm những mối quan hệ, để khi có những hiệu ứng nằm ngoài mong muốn, nhà báo có thể tìm hiểu thêm và cố gắng có những động thái để kiểm soát tình hình. Chẳng hạn cô có thể tiếp xúc với lãnh đạo phường sở tại, tìm hiểu kỹ hơn những lý do phía sau việc siết chặt quản lý chỉ ở một đoạn phố ấy thôi…

Tất nhiên, nhà báo không thể làm thay cơ quan quản lý, không thể làm thay người trong cuộc, song chí ít những trải nghiệm ấy cũng khiến họ trưởng thành lên và biết cách tiếp cận vấn đề đúng mức nhất cũng như xử lý hữu hiệu nhất những vấn đề nảy sinh một cách chuyên nghiệp và thực sự mang dấu ấn đạo đức nghề nghiệp.

4. Trên đây là ba ví dụ trong rất nhiều câu chuyện tác nghiệp diễn ra mỗi ngày. Nghề báo có những ranh giới, những trăn trở, băn khoăn cần suy ngẫm cho thấu đáo. Nhà báo không thể thiếu sự tỉnh táo, suy xét, đặt mình trong những tình huống thông tin cụ thể. Có những nhân vật gặp lần đầu tiên nhà báo đã phải viết bài vì đó là “tâm điểm”, là nơi dư luận dõi theo mà báo chí không thể né tránh. Có những sự thật ẩn rất sâu dưới lớp vẻ bề ngoài mà mọi sự soi chiếu chỉ là tương đối. Khi ấy, kinh nghiệm, bản lĩnh và thái độ trách nhiệm của nhà báo luôn là vũ khí cần thiết để sự thật bật lên tiếng nói của nó. Khi ấy, các thủ pháp “khách quan hóa” sự kiện, cùng đánh giá nhìn nhận sự kiện với công chúng luôn là điều cần thiết để nhận được ở công chúng sự sẻ chia, để sự kiện, vấn đề xuất hiện với bản chất sâu xa của nó nhất.

Những ranh giới phải lựa chọn là sự thú vị của nghề, cũng là thước đo bản lĩnh và sự chuyên nghiệp của nhà báo khi dấn thân vào một công việc chưa bao giờ dễ dàng: nghề báo!

Văn hóa - Thể thao

Trao giải Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024
Văn hóa - Thể thao

Phát triển văn hóa đọc, xây dựng xã hội học tập

Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) KIỀU THÚY NGA cho biết, năm 2024, nhiều hoạt động hưởng ứng phong trào đọc sách trong cộng đồng đã được triển khai, điển hình là cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc. Cuộc thi đã góp phần khơi dậy đam mê đọc sách và phong trào đọc sách, xây dựng xã hội học tập ở các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cuốn sách đầu tiên về trí tuệ nhân tạo trong giáo dục
Giáo dục

Cuốn sách đầu tiên về trí tuệ nhân tạo trong giáo dục

Nằm trong danh sách những cuốn sách hay nhất năm 2024 (tính đến thời điểm này) trên Amazon, “Nền giáo dục mới can đảm” là cuốn sách đầu tiên về cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục, cùng những tác động của nó đối với việc nuôi dạy con cái và cách chúng ta có thể tận dụng sức mạnh này vì những điều tốt đẹp.

Lưu trữ, bảo tồn và phát huy kiến trúc Việt
Văn hóa - Thể thao

Lưu trữ, bảo tồn và phát huy kiến trúc Việt

Trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được ứng dụng rộng rãi dẫn tới sự thay đổi lớn trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Không chỉ hỗ trợ kiến trúc sư trong các giai đoạn thiết kế, AI còn góp phần lưu trữ, bảo tồn và phát huy giá trị kiến trúc Việt. 

Nỗi sợ mơ hồ khi làm phim lịch sử
Văn hóa - Thể thao

Nỗi sợ mơ hồ khi làm phim lịch sử

Việc làm phim điện ảnh về đề tài lịch sử luôn là thách thức đối với các nhà làm phim Việt. Lo ngại và áp lực không chỉ đến từ việc tái hiện chính xác các sự kiện trong quá khứ mà còn từ sự đón nhận của khán giả và phán xét của giới chuyên môn.

Di sản văn hóa, từ truyền thống đến kho tàng số
Văn hóa

Di sản văn hóa, từ truyền thống đến kho tàng số

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số về di sản văn hóa đang được quan tâm, nhằm tạo kho tàng lưu giữ thông tin chi tiết về các giá trị vật thể và phi vật thể. Điều này không chỉ hữu ích trong công tác bảo tồn mà còn tạo nền tảng khai thác tối đa tiềm năng của di sản trong công nghiệp văn hóa.