Hội thảo do Ban Chủ nhiệm Đề tài cấp Bộ năm 2023: “Tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức Quốc hội nước ta hiện nay đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng” phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Đề tài và Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Lê Hải Đường đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ, tiếp tục cải cách thể chế, tổ chức bộ máy nhà nước, đổi mới hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy dân chủ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân là quá trình liên tục từ khi Đảng ta khởi xướng sự nghiệp đổi mới.
Trong quá trình này, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội được tiến hành qua các nhiệm kỳ, có bước đột phá, khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Trước yêu cầu khách quan và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhiệm vụ đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội tiếp tục được đặt ra.
Với ý nghĩa như vậy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá, phân tích thực trạng về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam, từ đó đề xuất các giải pháp tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay đặt ra nhiều nhiệm vụ đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Trong đó, phát huy dân chủ, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân là phương hướng, đồng thời là mục tiêu bao trùm. Để thực hiện phương hướng này cần tiếp tục hoàn thiện các thiết chế dân chủ gián tiếp cũng như các thiết chế dân chủ trực tiếp (bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân; giải quyết đơn, thư dân nguyện...).
Đồng thời, tổ chức thi hành tốt Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, trọng tâm là tập trung vào những vấn đề bức xúc mà nhân dân đang quan tâm; tăng cường giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, việc thực hiện Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo; giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri.
Một số ý kiến cho rằng, các điều kiện bảo đảm hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội cũng là một yếu tố góp phần quan trọng vào việc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội. Muốn hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đạt hiệu quả cao nhất, Luật Tổ chức Quốc hội, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội cùng các quy định liên quan cần xác định những điều kiện bảo đảm hết sức thiết thực và có tính đặc thù riêng. Các điều kiện có thể bao gồm: bộ máy tham mưu, giúp việc của Quốc hội; chế độ làm việc, nơi làm việc; lương và phụ cấp cho đại biểu Quốc hội; việc cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động cho đại biểu Quốc hội...