Những tháng qua, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các đội trực thuộc luôn nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cấp trên, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Trong đó, toàn Cục luôn chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng. Cục cũng triển khai đồng bộ trên diện rộng hoạt động kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng giả, hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không bảo đảm an toàn thực phẩm, tích cực công tác tuyên truyền, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh. Do vậy, trong 5 tháng đầu năm 2023, toàn Cục đã tiến hành kiểm tra 458 vụ, phát hiện 215 vụ vi phạm; ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 765.027.000 đồng.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hoà Bình còn phối hợp tham gia Đoàn kiểm tra bảo đảm an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023. Trong đó, phối hợp kiểm tra 74 vụ, xử lý 3 vụ, phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng với hành vi vi phạm là: Lưu mẫu thức ăn không đúng quy định; dụng cụ thu gọn rác thải không đảm bảo vệ sinh; nơi chế biến bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập.
Để đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian các tháng cuối năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hoà Bình tập trung chỉ đạo các đội trực thuộc làm tốt công tác quản lý địa bàn; tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc thực thi công vụ. Cục sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu. Cục tiếp tục tổ chức thực hiện ký cam kết với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh không sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo lành mạnh thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng.