Tham dự Toạ đàm có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh: Trung tướng Nguyễn Hải Hưng, Trung tướng Trần Ngọc Khánh, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Trung tướng Đỗ Quang Thành và đại diện Quân chủng Hải quân, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu… cùng các chuyên gia, nhà khoa học.
Tại Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khoá XV, Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Để phục vụ việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục tổ chức tọa đàm kết hợp với khảo sát để có thêm cơ sở lý luận chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn vững chắc cho việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 30 (tháng 2.2024); đồng thời cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội trong quá trình xem xét, thông qua dự thảo Luật quan trọng này.
Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, lưỡng dụng, vừa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vừa góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội”. Việc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh theo hướng lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn công nghiệp quốc gia; kết hợp chặt chẽ quốc phòng an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng an ninh là định hướng quan trọng, có ý nghĩa chiến lược của Đảng và Nhà nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung về phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh lưỡng dụng và việc huy động nguồn lực xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh được đại biểu Quốc hội quan tâm và cho nhiều ý kiến; đề nghị Ban soạn thảo quy định cụ thể về phát triển Công nghiệp quốc phòng, an ninh kết hợp với công nghiệp dân sinh theo hướng lưỡng dụng, sản phẩm lưỡng dụng sử dụng cho cả quốc phòng an ninh và dân sinh.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh việc xây dựng, hoàn thiện các chính sách đặc thù nhằm thu hút sự tham gia của các ngành công nghiệp dân sinh vào hoạt động Công nghiệp quốc phòng, an ninh, xây dựng các chính sách liên doanh, liên kết để làm cơ sở định hướng cho việc hình thành các tập đoàn, tổng công ty và tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Do đó, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể về tính lưỡng dụng của Công nghiệp quốc phòng, an ninh; làm rõ khái niệm, nội hàm của tính lưỡng dụng trong xây dựng công nghiệp quốc phòng và công nghiệp quốc gia, tính toán khả năng bảo đảm trong cả thời bình và thời chiến…
Tại Toạ đàm, các đại biểu cho rằng, để phát huy tính lưỡng dụng, tăng cường và phát triển liên kết giữa Công nghiệp quốc phòng, an ninh với công nghiệp dân sinh; huy động tối đa thành tựu của nền công nghiệp quốc gia phục vụ Công nghiệp quốc phòng, an ninh cần được triển khai theo cả hai hướng. Hướng thứ nhất là lưỡng dụng trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh để phát huy hiệu quả đầu tư thông qua việc sản xuất kinh tế phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và duy trì năng lực trong thời bình. Hướng thứ hai là lưỡng dụng trong công nghiệp dân sinh để huy động phục vụ Công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp cũng đã thảo luận, làm rõ tính khả thi của các quy định dự kiến tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật về phạm vi, điều kiện, thủ tục để thực hiện cơ chế lưỡng dụng, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; việc huy động nguồn lực xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh; quyền và nghĩa vụ; chế độ, chính sách…