Tham dự Phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Tổ trưởng Thường trực Tổ công tác; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh - Phó Tổ trưởng Tổ công tác.
Cùng dự còn có các thành viên Tổ công tác, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, Kinh tế, Tài chính - Ngân sách, Tư pháp, Khoa học, Công nghệ và Môi trường, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành...
Tổ công tác được thành lập theo Nghị quyết số 829/NQ-UBTVQH15 ngày 20.7.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội; bảo đảm sự phối hợp chủ động, chặt chẽ của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội với các cơ quan có liên quan của Chính phủ trong quá trình rà soát, tổng hợp và xử lý kết quả rà soát; kịp thời trao đổi, tháo gỡ các vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh (nếu có) trong quá trình rà soát.
Tổ công tác chỉ đạo Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội triển khai rà soát pháp luật theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 gắn với công tác giám sát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 và Văn bản số 472/UBTVQH15-PL ngày 18.5.2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các thành viên Tổ công tác tập trung cho ý kiến, thống nhất các nội dung về quy chế làm việc, nguyên tắc làm việc, phân công nhiệm vụ để sớm ban hành chính thức, kịp thời triển khai ngay.
"Chúng ta kế thừa kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Tổ công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng chống Covid-19 trước đây. Tinh thần là Tổ công tác không làm thay việc của Chính phủ nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Trong phân công nhiệm vụ bảo đảm vừa phát huy vai trò của tập thể Tổ công tác vừa phát huy vai trò của mỗi thành viên, từng thành viên phải có trách nhiệm tham gia các phiên họp của Tổ", Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cách thức hoạt động để không chồng chéo, chồng lấn nhiệm vụ giữa Tổ công tác của Chính phủ và Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.
Theo tiến độ dự kiến đến ngày 15.9 tới, Chính phủ có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật, sau đó các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra và dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9.2023, qua đó có đề xuất sửa đổi bổ sung cụ thể, có thể trình Quốc hội dùng một luật sửa nhiều luật để kịp thời tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư và người dân, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan nhưng lần này, Tổ công tác phải có cách làm đặc biệt trong bối cảnh đặc biệt, cấp bách với yêu cầu đòi hỏi cao của tình hình kinh tế - xã hội và nhiệm vụ Quốc hội giao.
Qua các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Tổ công tác kế thừa kết quả đã rà soát theo chức năng, nhiệm vụ làm thường xuyên và các kết quả rà soát theo yêu cầu của cơ quan chức năng như Ban Nội chính Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương, Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật… để tổng hợp những nội dung đã rà soát, đã có kiến nghị nhưng chưa được sửa đổi. Đồng thời, hệ thống hóa và tiếp tục cập nhật, phát hiện mới những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập thông qua công tác chuyên môn mà trọng tâm là công tác giám sát, thẩm tra; tổng hợp các báo cáo, kiến nghị của các đoàn kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và các cơ quan khác gửi đến các cơ quan của Quốc hội; cũng như chủ động nắm bắt thông tin qua báo chí, diễn đàn, gặp gỡ chuyên gia, công tác dân nguyện…
Tổ công tác có văn bản gửi các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các tỉnh/thành phố, các Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị có báo cáo về việc phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trên cơ sở tổng hợp, thu thập các kiến nghị, đề xuất, Tổ công tác sẽ xem xét, đánh giá và có đề xuất cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý trong quá trình rà soát cần xác định rõ "trong trọng tâm có trọng điểm", cụ thể trong thời điểm hiện nay là chống suy thoái kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Phải tập trung thực hiện để có được sản phẩm cụ thể, sửa đổi những nội dung cấp bách và tạo chuyển biến thực chất.
Thời gian không có nhiều, trong khi tiến độ gấp rút, yêu cầu cao, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành nhiều tin tưởng, kỳ vọng đối với hoạt động của Tổ công tác, do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các thành viên làm việc không quản ngày đêm, bảo đảm chất lượng và tiến độ các công việc. Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu khẩn trương hoàn thiện Quy chế làm việc của Tổ công tác và phân công nhiệm vụ các thành viên, xác định các nội dung công việc, tiến độ thời hạn cụ thể, trình tự thủ tục, phối hợp công tác, các nội dung đề nghị phối hợp giữa Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tổ công tác của Chính phủ, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm và cấp bách, các công việc cần ưu tiên làm trước.