Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…
Báo cáo với Đoàn giám sát, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, trong giai đoạn giám sát, các quy hoạch, kế hoạch phát triển năng lượng của địa phương được tổ chức lập và ban hành đầy đủ, kịp thời, góp phần giúp địa phương triển khai thực hiện thuận lợi và đạt các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch đặt ra.
Đến nay, toàn tỉnh có 10 dự án điện gió đã đầu tư và đang tiếp tục được đầu tư, với tổng công suất 660,2 MW, trong đó đã hoàn thành đưa vào hoạt động 8 dự án, công suất 469,2 MW; cùng với 1.615 hệ thống điện mặt trời mái nhà, công suất gần 184 MW đang vận hành phát lên lưới. Tổng sản lượng điện phát lên lưới của cả hai loại hình này đến cuối tháng 6.2023 đạt 3,9 tỷ kWh, bình quân 1,3 tỷ kWh/năm. Đặc biệt, tỉnh đang trong quá trình hoàn chỉnh thủ tục để khởi công dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu 3.200MW.
“Các dự án điện gió, điện mặt trời đã và đang góp phần gia tăng chỉ số sản xuất năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững của địa phương. Trong khi đó, các vùng đất ven biển được quy hoạch nuôi tôm, nuôi trồng thủy sản có thể tận dụng để kết hợp phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời). Việc kết hợp điện năng lượng mặt trời trên ao nuôi tôm cơ bản không làm ảnh hưởng mục đích sử dụng đất nuôi trồng thủy sản, mà góp phần làm gia tăng hiệu quả sử dụng đất”, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nêu rõ.
Đồng thời, tương tự với đặc thù của Cà Mau, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, Bạc Liêu còn có tiềm năng và dư địa rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo (điện gió ngoài khơi và điện mặt trời khu vực ven biển). Ngoài phần phát triển phục vụ nhu cầu điện trong nước cũng có thể xuất khẩu điện “sạch” sang các nước bạn lân cận, trong đó Singapore đã đưa ra những yêu cầu rõ ràng về quy mô, tiến độ nhập khẩu điện.
Tuy nhiên, theo báo cáo của UBND tỉnh Bạc Liêu, việc phát triển năng lượng tái tạo và dịch chuyển năng lượng hiện đang trong giai đoạn đầu, nên vẫn còn một số khó khăn về khả năng hấp thụ và truyền tải điện của hệ thống điện quốc gia; chưa có quy chuẩn về mức độ duy trì ổn định công suất, điện năng phát lên lưới điện; chưa có quy định yêu cầu về tích trữ điện năng dự phòng trong các nhà máy điện năng lượng tái tạo...
Ngoài ra, các tuyến đường dây truyền tải hiện còn hạn chế, gây khó khăn trong việc giải tỏa công suất cho các dự án điện trên địa bàn, và nếu không được đầu tư kịp thời sẽ trở thành điểm nghẽn lớn, cản trở sự phát triển của lĩnh vực năng lượng nói riêng cũng như sự phát triển của Bạc Liêu nói chung. Do đó, UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị, EVN xem xét, hạn chế tối đa việc cắt giảm công suất các nhà máy điện gió, hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất lớn; sớm đầu tư các dự án lưới điện trên địa bàn.
Tại cuộc làm việc, các thành viên Đoàn giám sát quan tâm về những kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình mới trong thực hiện đầu tư phát triển năng lượng tái tạo; tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trên địa bàn; phát triển năng lượng trong quy hoạch chung của tỉnh; vấn đề quốc phòng, an ninh liên quan đến phát triển năng lượng; công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra...
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tích cực chuẩn bị nội dung báo cáo một cách kỹ lưỡng, đề cập thẳng thắn các khó khăn, tồn tại, bất cập. Lãnh đạo tỉnh, các Sở, ngành đã trao đổi, làm sáng tỏ nhiều nội dung; đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề xác đáng...
Đánh giá cao những kết quả phát triển năng lượng trên địa bàn, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc phát triển năng lượng tái tạo và dịch chuyển năng lượng hiện đang trong giai đoạn đầu, còn có một số khó khăn nhất định. Trong đó, cần chú ý các dự án năng lượng gió, mặt trời sử dụng mặt bằng khá lớn cũng sẽ không tránh khỏi những tác động tiêu cực khác nhau đến môi trường. Hạ tầng giao thông đường bộ và hệ thống cảng biển của Bạc Liêu chưa được đầu tư đồng bộ cũng là trở ngại cho nhà đầu tư khi triển khai dự án có sử dụng thiết bị siêu trường, siêu trọng.
Ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của Bạc Liêu về cơ chế giá điện, đầu tư hạ tầng đường truyền tải điện, chia sẻ, khai thác dùng chung hạ tầng với các ngành khác... Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, UBND tỉnh Bạc Liêu tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đẩy nhanh tiến độ xử lý vướng mắc đối với 2 dự án điện gió đang chậm tiến độ (Nhà máy điện gió Bạc Liêu - giai đoạn III và Nhà máy điện gió Nhật Bản - Bạc Liêu giai đoạn I).
+ Cùng ngày, tại Bạc Liêu, Phó Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đã khảo sát thực tế và làm việc tại Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 và Nhà máy điện gió Hòa Bình 5.