Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bạc Liêu Lữ Văn Hùng; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Văn Thiều; các thành viên Đoàn giám sát; đại diện Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…
Tại cuộc làm việc, Đoàn giám sát nghe đại diện lãnh đạo Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 và 5, Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Cửu Long báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng của đơn vị.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 (có công suất 50MW) thuộc quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030 được Bộ Công thương phê duyệt từ đầu. Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 với công suất giai đoạn 1 là 80 MW được Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch phát triển Điện VII (điều chỉnh).
Các nhà máy điện gió Hòa Bình 1 và 5 đều triển khai thi công trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, công tác giải phóng mặt bằng vô cũng gian nan, vất vả. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành và địa phương, cùng sự giúp đỡ của Bộ Công thương và EVN, hai nhà máy đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra, bảo đảm các quy định và được hưởng giá bán điện theo giá FIT.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 đã chủ động vận dụng và đề xuất UBND tỉnh Bạc Liêu xem xét hỗ trợ những ảnh hưởng do việc chạy cánh quạt tuabin gió cho bà con nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 đang bị giới hạn công suất phát điện hàng ngày do điều kiện lưới truyền tải 220kV Cà Mau - Bạc Liêu - Sóc Trăng. Chính phủ đã thông qua quy hoạch đoạn tuyến 220kV đấu nối từ TBA 220kV Bạc Liêu chuyển tiếp trên đường dây 220kV Cà Mau - Sóc Trăng dài 4,37km, EVN đã quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2022, nhưng đến nay dự án chưa được triển khai thực hiện đầu tư.
Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 phải chịu nhiều chi phí phát sinh trong quá trình thi công, chưa kể trong quá trình vận hành vẫn phải cắt giảm công suất do đường dây truyền tải bị quá tải, hoặc sự cố lưới điện… Việc chi phí đầu tư của dự án tăng cao và công suất phát điện không như dự tính dẫn đến phương án tài chính của dự án không bảo đảm theo tính toán. Cùng với đó, chính sách về lãi suất vốn vay tăng cao, biến đổi khí hậu (tốc độ gió có sự thay đổi so với thời điểm đo gió lập dự án đầu tư), dẫn đến thời gian hoàn vốn của dự án bị kéo dài, giảm hiệu quả đầu tư.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận kết quả đầu tư, kinh doanh của các nhà máy và nội dung báo cáo của Công ty Cổ phần Thương mại Dầu khí Cửu Long. Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc các chủ đầu tư chủ động từng bước tiếp cận công nghệ điện gió tiên tiến trên thế giới, đổi mới kỹ thuật xây dựng, qua đó giúp rút ngắn thời gian thi công là kinh nghiệm tốt cho các dự án điện gió nói riêng và điện năng lượng tái tạo nói chung trên cả nước.
Đánh giá cao UBND tỉnh Bạc Liêu đã sớm phê duyệt quy hoạch điện gió trên địa bàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, quy hoạch này thể hiện tầm nhìn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu, qua đó giúp các chủ đầu tư yên tâm bỏ vốn, tạo sự phát triển ổn định của điện gió trên địa bàn, không rơi vào tình trạng phát triển ồ ạt như điện mặt trời ở một số địa phương khác.
Đặc biệt, với sự quan tâm chỉ đạo, xây dựng quy hoạch, hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện dự án của chính quyền địa phương, tại Bạc Liêu hiện đã hình thành tổ hợp điện gió - là hệ thống công trình điện tái tạo quan trọng của quốc gia, có ứng dụng công nghệ cao, với thời gian vận hành dài, mang lại nhiều lợi ích cho địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Ghi nhận các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đoàn giám sát sẽ tổng hợp đầy đủ, trao đổi với các cơ quan chức năng, nghiên cứu đưa vào dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chung.