Tham dự phiên họp có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Lê Quang Mạnh - Phó Trưởng Đoàn Thường trực Đoàn giám sát; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy – Phó Trưởng Đoàn giám sát.
Cùng dự có đại diện Kiểm toán Nhà nước; các thành viên Đoàn giám sát...
Qua làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành và 10 tỉnh, thành phố, các thành viên Đoàn giám sát ghi nhận, Nghị quyết số 43/2022/QH15 được ban hành trong bối cảnh đặc biệt, khi tình hình kinh tế - xã hội đất nước đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Với sự quyết tâm cao, Quốc hội đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất và thông qua Nghị quyết trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Đảng, kế thừa kết quả từ Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2021. Tại Nghị quyết này, Quốc hội đã quy định cụ thể phương thức huy động nguồn lực để thực hiện; đưa ra những cơ chế để Chính phủ linh hoạt trong điều hòa nguồn lực; đưa ra công cụ pháp lý để đơn giản hóa thủ tục, giúp các chính sách đi vào cuộc sống nhanh nhất.
Thực tế triển khai trong hai năm qua đã khẳng định, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 là quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và đều đã được các bộ, ngành, địa phương, cơ quan quan tâm triển khai. Các chính sách được Quốc hội quyết nghị tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 có tính chiến lược trong việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, mang tính nhân văn, động viên tinh thần cho người dân, doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế, giúp kinh tế có những bước phục hồi và phát triển tích cực, được đông đảo nhân dân, doanh nghiệp, doanh nhân, các thành phần kinh tế đồng thuận hưởng ứng.
Dù vậy, thực tế cũng cho thấy, một số chính sách khi được cụ thể hóa chưa bảo đảm bám sát quan điểm “nguồn lực đưa ra có khả năng giải ngân, hấp thụ nhanh”. Tại một số địa phương, việc thực hiện chính sách chậm do hướng dẫn thiếu cụ thể hoặc một số chính sách phải hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung dẫn đến khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện; sau đại dịch, nhu cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn thấp… Chính sách hỗ trợ người dân, người lao động khó khăn được triển khai trong bối cảnh thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội từng bước, số lượng hồ sơ nhiều, thiếu cơ sở để kiểm tra, xác minh nên đã dẫn đến việc thẩm định và giải quyết chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng gặp nhiều khó khăn, dễ phát sinh trường hợp trùng hưởng chính sách.
Đoàn giám sát đánh giá cao Tổ giúp việc đã nỗ lực tổng hợp, rà soát từ báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương để xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết dầy dặn, đưa ra được nhiều vấn đề cốt lõi về chuyên đề giám sát của Quốc hội.
Để hoàn thiện hơn nữa dự thảo báo cáo và dự thảo nghị quyết, một số ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, viết gọn, rõ vấn đề hơn nữa trong đánh giá việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến năm 2023. Trong đó, bám sát 5 quan điểm, 3 mục tiêu, chỉ tiêu được Nghị quyết số 43/2022/QH15 đưa ra để đánh giá về kết quả triển khai thực hiện thời gian qua.
Các ý kiến cũng đề nghị, Đoàn giám sát gửi công văn đến các cơ quan, đơn vị đề nghị Chính phủ, một số bộ, ngành gửi báo cáo bổ sung để cung cấp số liệu chính xác nhất cho Đoàn giám sát; làm rõ hơn các bài học kinh nghiệm về quá trình xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách; bổ sung số liệu, đánh giá về các sai phạm trong khai thác vật liệu để thực hiện một số dự án; bổ sung kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nâng cao chất lượng công tác lập dự án, chuẩn bị đầu tư…
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải ghi nhận và đánh giá cao tinh thần chủ động, tích cực của Thường trực các Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Kinh tế và Tổ giúp việc trong việc chủ trì tham mưu các hoạt động của Đoàn giám sát. Căn cứ trên các ý kiến tại Phiên họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách phối hợp với Thường trực Ủy ban Kinh tế, Tổ giúp việc hoàn thành một bước dự thảo báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết; các thành viên Đoàn giám sát có ý kiến bằng văn bản nêu cụ thể các góp ý với các dự thảo báo cáo, dự thảo nghị quyết; tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ trong hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Đoàn giám sát và Tổ giúp việc tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tối đa trí tuệ tập thể, kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường phối hợp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung thời gian, công sức để hoàn thiện các tài liệu liên quan, phục vụ phiên họp sắp tới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đối với công tác truyền thông, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục làm tốt công tác này, Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội tiếp tục tổ chức các chuyên đề, tuyến bài thông tin tuyên truyền về chuyên đề giám sát; Truyền hình Quốc hội hoàn thiện xây dựng kịch bản, phim tài liệu về kết quả giám sát.