Ngày Sách và Văn hóa đọc 2023

Phát triển và lan tỏa văn hóa đọc thời hiện đại

Với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, trong đó có internet, sách và văn hóa đọc cũng vì vậy mà có xu hướng giảm dần ở nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Để khơi dậy tình yêu đối với sách, những hoạt động khuyến đọc cần được tổ chức thường xuyên, không chỉ trong tháng 4 - Tháng hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc.

Giới trẻ đọc gì?

Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển, văn hóa đọc không còn chỉ bó hẹp trong phương thức đọc truyền thống mà còn chuyển sang phương thức hiện đại như đọc trên các thiết bị điện tử máy tính, internet, điện thoại... 

Thế hệ trẻ và văn hóa đọc thời hiện đại -0
Văn hóa đọc trong giới trẻ đang có sự phân hóa rõ ràng, tạo thành hai nhóm riêng biệt. Ảnh: Trang Nhung

Văn hóa đọc trong giới trẻ đang có sự phân hóa rõ ràng, tạo thành hai nhóm riêng biệt. Một bên là nhóm ngày càng xa rời và xa lạ với việc đọc và một nhóm mà nền tảng văn hóa, sức đọc... vượt hẳn so với mặt bằng chung của thế hệ trước.

Sự phân hóa này còn có thể nhìn thấy ngay trong từng nhóm theo thế hệ, hay trong từng khu vực như thành thị, nông thôn. Tại khu vực thành thị, vì có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với sách vở và mặt bằng kinh tế tốt nên các gia đình có thể đầu tư cho con cái phát triển nhu cầu tinh thần. Thế hệ phụ huynh ngày nay cũng đã có nhận thức tốt về giá trị mà sách vở mang lại nên luôn chú trọng bồi dưỡng, xây đắp thói quen và kỹ năng đọc cho con trẻ ngay từ lúc còn nhỏ. 

Tuy vậy, có một thực trạng đáng buồn là phương tiện nghe nhìn hay công nghệ, truyền thông đa phương tiện càng phát triển thì việc đọc sách lại bị giảm thiểu, xem nhẹ, đặc biệt với đa số các bạn trẻ. Nhiều bạn trẻ chưa tạo dựng được cho mình thói quen đọc sách, chỉ tìm đến sách khi buộc phải nắm bắt một sự kiện hay vấn đề nào đó. Nhiều bạn do quá phụ thuộc vào thông tin đến từ mạng xã hội nên "bỏ bê" việc đọc sách, dẫn đến không chọn lọc đúng thông tin gây sai lệch trong nhận thức.

Vậy giới trẻ ngày nay đọc gì? Theo một cuộc thăm dò do Báo Lao động tiến hành, loại sách được đọc nhiều nhất là... truyện tranh (60%), kế đến là truyện ngắn (50%), truyện dịch (35%), tiểu thuyết trong nước (30%) và thơ (20%). Chưa hết, những dữ liệu tiếp theo sẽ khiến ai cũng phải "giật mình". Theo thống kê từ Cục Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), bình quân mỗi năm một người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách. Con số này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong danh sách 61 quốc gia đọc sách nhiều nhất thế giới, khu vực Đông Nam Á chỉ có Singapore, Malaysia và Indonesia. Cũng theo một báo cáo khác của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc là 44% và chỉ có 30% người Việt Nam đọc thường xuyên.

Hình thành và duy trì thói quen đọc sách

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong toàn dân; xem việc phát triển văn hóa đọc chính là động lực, là công cụ quan trọng để thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Việc hình thành “Ngày sách Việt Nam”, “Ngày sách và Văn hóa đọc” đã thể hiện bước tiến rất lớn nhằm hình thành và duy trì thói quen đọc sách. 

Theo Giám đốc Omega Plus Trần Hoài Phương, quan trọng nhất khi xây dựng văn hóa đọc là chúng ta đầu tư cho con người, xây dựng đội ngũ trí thức để cống hiến cho đất nước. Trong mọi thời đại, đội ngũ trí thức luôn là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức, là nguồn lực đặc biệt quan trọng tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển.

GS.TS, Nhà giáo Trần Anh Thơ cho rằng, nếu thật sự coi trọng văn hóa đọc, cần khơi gợi đam mê đọc sách ngay từ trong trường học bằng các hình thức lồng ghép vào các tiết học chính thức, hay thành các buổi tự đọc. Từ đó, việc đọc sách sẽ trở thành một thói quen tích cực đối với học sinh. Phải làm sao để xây dựng được thói quen "muốn" đọc sách chứ không là "phải đọc sách". Nếu biến việc đọc sách thành hình thức, phong trào thi đua, thành tích sẽ tạo ra một sự khiên cưỡng, thậm chí phản tác dụng. 

"Đưa trẻ đến với việc đọc cần rất nhiều kiên nhẫn, cùng với sự tinh tế, thấu hiểu và trên nền tảng tôn trọng với tự do lựa chọn của trẻ. Đọc sách cũng như tình yêu với tri thức, chỉ có thể vun tưới, bồi đắp hàng ngày chứ không thể ép buộc mà thành. Nếu văn hóa được xem là "cái hồn", "cái cốt" của mỗi quốc gia thì văn hóa đọc cũng cần được xác lập với vị thế xứng tầm trong tiến trình phát triển của một đất nước, mà trước hết phải bắt đầu từ giới trẻ" Nhà giáo Trần Anh Thơ khẳng định. 

Văn hóa

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.