
PV: Thưa Phó giáo sư, nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam theo phương pháp liên ngành có tầm quan trọng thế nào?
PGS NGUYỄN THỤY LOAN: Âm nhạc cổ truyền Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm, nhưng việc nghiên cứu, tìm hiểu một cách quy mô và có tổ chức mới chỉ thực sự bắt đầu từ hơn nửa thế kỷ nay. Vì thế, đây vẫn là một kho báu khép kín, chưa mấy ai hiểu rõ, hiểu đúng và đầy đủ. Trong nhiều công trình sưu tầm, nghiên cứu được công bố trong nước, các hiện tượng âm nhạc dân gian cổ truyền Việt Nam được tiếp cận theo phương pháp nghiên cứu liên ngành. Chúng không những được nghiên cứu dưới góc độ âm nhạc học mà còn được nghiên cứu dưới góc độ văn hóa học, sử học, dân tộc học, mỹ học... Sự kết hợp sưu tầm nghiên cứu âm nhạc cổ truyền đã tạo điều kiện cho ngày càng nhiều hiện tượng, thể loại âm nhạc cổ truyền cũng như âm nhạc các tộc người được sưu tầm nghiên cứu và công bố dưới nhiều hình thức; Nhiều nét mới trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam được phát hiện và dần được hiểu một cách đầy đủ, toàn diện hơn. Đó là tiền đề, đồng thời là nền tảng quan trọng cho những bước tiến trong việc giới thiệu và quảng bá âm nhạc cổ truyền trong nước cũng như thế giới.
PV: Vậy, những trở ngại trong liên kết nghiên cứu và quảng bá âm nhạc cổ truyền Việt Nam hiện nay là gì?
PGS NGUYỄN THỤY LOAN: Mặc dù đã có nhiều chuyên khảo khá sâu về các lĩnh vực và thể loại khác nhau trong âm nhạc cổ truyền, song tới nay, quốc hồn, quốc túy của dân tộc trong nhận thức của phần lớn người Việt và người nước ngoài vẫn chỉ là những mảng rời rạc, chưa đầy đủ và chưa có hệ thống. Một số giáo trình bước đầu đưa ra được cái nhìn tổng thể và tương đối hệ thống về âm nhạc cổ truyền Việt Nam, tuy nhiên nội dung còn giới hạn trong phạm vi học đường cho nên có những vấn đề chưa có điều kiện đi sâu và chi tiết. Ngoài ra, hầu hết sách bằng tiếng Việt khó quảng bá tới độc giả nước ngoài. Đó là chưa kể tới những khiếm khuyết, sai lệch trong một số ấn phẩm, xuất bản phẩm ở dạng CD, VCD, có thể dẫn tới những cách hiểu chưa chuẩn xác về âm nhạc cổ truyền. Thực tế, công việc này đòi hỏi sự đầu tư trí tuệ, nhân lực, vật lực, đặc biệt là tài chính.
PV: Phó giáo sư nhìn nhận thế nào về sự đổi mới trong âm nhạc Việt Nam trước sự giao thoa, hội nhập thế giới?
PGS NGUYỄN THỤY LOAN: Âm nhạc Việt Nam trải qua nhiều sóng gió và đang trong thời kỳ sôi động. Trong sự đan xen phức tạp của nhiều trào lưu, nhiều thể loại âm nhạc và tác động của cơ chế thị trường vẫn có thể nhận ra một mạch di chuyển và những đặc trưng cơ bản đã định hình trong âm nhạc dân tộc Việt Nam từ chiều sâu lịch sử. Lòng say mê âm nhạc, ý chí kiên trì bảo tồn nền âm nhạc dân tộc đi đôi với ý thức cởi mở, hòa đồng với thế giới. Những yếu tố đó chắc chắn sẽ cho ra đời thể loại nhạc nhẹ Việt Nam mang bản sắc riêng. Tuy khó tránh khỏi những cái lai căng, tốt có, xấu có và cả những tác phẩm dễ dãi thuộc loại “mì ăn liền” (xài nhanh, sáng tác nhanh) nhưng những cái đó sẽ không bền lâu. Cây non phải uốn nắn từ nhỏ. Đối với di sản văn hóa cổ truyền cũng thế, được đào tạo từ nhỏ, nó sẽ ngấm sâu và trở thành “miễn dịch”. Do vậy, vai trò của Nhà nước, những cơ sở đào tạo và phương tiện truyền thông rất quan trọng.
PV: Thưa Phó giáo sư, muốn tạo ra bản sắc riêng để đóng góp chung vào nền âm nhạc thế giới không thể thiếu việc kế thừa và phát huy truyền thống âm nhạc cổ truyền dân tộc?
PGS NGUYỄN THỤY LOAN: Việc phát triển âm nhạc truyền thống không đóng khung trong giới nhạc cổ truyền mà có sự tham gia tích cực của cả giới nhạc mới. Chính vì thế mới xuất hiện và phát triển mạnh phương thức phát triển về chất ở cấp độ III. Nhiều tác phẩm kế thừa và phát triển âm nhạc truyền thống đã được viết cho nhạc cụ phương Tây và cho cả những nhạc cụ điện tử hiện đại nhất. Kinh nghiệm cho thấy, những nhạc công từng biết biểu diễn nhạc cụ truyền thống và thấm chất nhạc truyền thống là người có khả năng tốt nhất trong việc thể hiện chất dân gian cổ truyền trong những sáng tác mới, dù cho đó là violon, guitar, saxophone hay đàn phím điện tử. Với thanh nhạc cũng thế. Học thanh nhạc nên học kỹ năng và phong cách thanh nhạc cổ truyền đặc sắc của Việt Nam, cũng như học nhạc cụ phương Tây, nhạc cụ điện tử nên biết sử dụng thành thạo vài nhạc cụ dân tộc. Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã bước đầu thể nghiệm việc này với cả hai chuyên khoa nói trên thông qua môn học âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Việc chuyên môn hóa trong đào tạo nhạc sỹ, nhạc công, diễn viên hoặc ca sỹ cho kịch hát truyền thống, cho loại nhạc có tính chất kinh viện theo kiểu thính phòng, giao hưởng phương Tây và cho nhạc nhẹ là hoàn toàn cần thiết, hợp lý. Bởi như vậy, việc bảo tồn sống hoặc chuyển giao những tri thức, kỹ năng và tinh hoa âm nhạc truyền thống cũng trở thành nhiệm vụ chung của tất cả chuyên ngành đào tạo.
PV: Xin cám ơn Phó giáo sư!
Hồng Nga thực hiện