Thông tin này được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đưa ra tại Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 diễn ra đồng thời tại 4 điểm Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ sáng qua, 9.1. Cầu truyền hình có sự tham gia của gần 1.000 đại biểu của 64 Sở GD-ĐT và 345 trường ĐH, CĐ.
4 điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ 2007
Sau khi nghe ý kiến đại diện các trường ĐH, CĐ, các sở GD-ĐT và cùng thảo luận, 4 vấn đề mới cho kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007 đã được Hội nghị thông qua.
Thứ nhất, sẽ tổ chức thi trắc nghiệm đối với các môn Ngoại ngữ, Vật lý, Hóa học, Sinh học cho các thí sinh trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ;
Thứ hai, học sinh đạt giải quốc gia không được tuyển thẳng vào ĐH nhưng được ưu tiên khi xét tuyển vào ĐH. Riêng các thí sinh đạt giải trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi năm 2006 (học sinh lớp 11 năm học 2005-2006) được bảo lưu kết quả tuyển thẳng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007;
Thứ ba, các trường CĐ tổ chức thi trong một đợt vào các ngày 15-16.7. Đối với các môn thi Ngoại ngữ, Vật lý, Hoá học, Sinh học, các trường CĐ sẽ thi bằng hình thức thi trắc nghiệmvà thi chung đề do Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm ra đề;
Thứ tư, Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ có phần chung cho tất cả thí sinh. Phần riêng cho thí sinh phân ban và phần riêng không phân ban (thi sinh chỉ được làm 1 trong 2 phần riêng của đề thi.
3 hướng mở có lợi cho thí sinh vào ĐH
Trong năm 2007 sẽ có 3 hướng đổi mới rất có lợi cho thí sinh vào cổng trường ĐH. Thứ nhất, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện đổi mới phương thức giao chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ. Các trường tự đề xuất mức chỉ tiêu phù hợp với sức đào tạo của mình, Bộ sẽ căn cứ vào tiêu chí như số sinh viên/giảng viên, diện tích sử dụng/sinh viên và trang thiết bị phục vụ đào tạo để chấp thuận hay không việc tự đề xuất chỉ tiêu của các trường và sẽ thông báo kết quả trước ngày 28.2. Thứ hai, để thí sinh chủ động chọn ngành học, những ngành có quyết định mở trước ngày 31.7.2006 sẽ được đưa vào cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2007. Đối với những ngành mở sau ngày này chỉ được phép tuyển sinh vào năm 2008. Thứ ba, sẽ cởi mở về khu vực dự thi. Theo đó, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh, thành phố được chỉ định dự thi tại cụm thi TP Vinh, Quy Nhơn hoặc Cần Thơ nhưng tốt nghiệp THPT tại các thành phố khác thì không bắt buộc phải dự thi tại cụm thi được chỉ định theo hộ khẩu thường trú.
7 hạn chế của “3 chung”
Thống kê của Bộ GD-ĐT, sau 5 năm thực hiện “3 chung” (chung ngày, chung đề và chung kết quả) đã có những chuyển dịch đáng kể trong xu hướng chọn trường của các thí sinh, giảm bớt căng thẳng, tốn kém cũng như số thí sinh tập trung về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bành Tiến Long, giải pháp 3 chung vẫn còn nhiều hạn chế và tồn tại. Thứ nhất, do nhu cầu học tập của học sinh lớn, trong khi khả năng đáp ứng của cả hệ thống có hạn, nên áp lực tuyển sinh còn lớn (trung bình 4 thí sinh dự thi ĐH, CĐ có 1 thí sinh được tuyển chọn); tiêu cực tuy đã giảm nhưng ngày càng tinh vi. Thứ hai, do hai kỳ thi quốc gia là thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH, CĐ diễn ra cách nhau một tháng nên vẫn gây ra căng thẳng, tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội. Thứ ba, nội dung đề thi chưa phát huy được khả năng phân tích, tổng hợp, sáng tạo của thí sinh. Thứ tư, một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập gặp khó khăn trong khâu xét tuyển chủ yếu do thiếu sức hấp dẫn đối vớái thí sinh. Thứ năm, các trường chưa được chủ động trong công tác tuyển sinh và phải tuân thủ những quy định chung cả hệ thống, từ chỉ tiêu đến ngày thi, đợt thi, xét tuyển. Thứ sáu, một số trường đội ngũ cán bộ giảng dạy còn thiếu và yếu, không có người đầu đàn nhưng vẫn mở ngành mới, không đảm bảo chất lượng. Thứ bảy, giải pháp 3 chung trong tuyển sinh chưa đáp ứng quy trình đào tạo theo học chế tín chỉ và nhu cầu hội nhập quốc tế.
Lưu ý đề thi trắc nghiệm
Bộ GD-ĐT đã thống nhất mỗi môn thi trắc nghiệm thời gian làm bài là 90 phút. Thí sinh sẽ làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm được in sẵn theo quy định của Bộ GD-ĐT và chấm bằng máy chấm chuyên dụng. Đề thi trắc nghiệm được in sẵn, phát cho từng thí sinh.
Tất cả các câu trắc nghiệm trong đề thi của cả bốn môn đều theo mẫu có bốn lựa chọn: A, B, C, D. Trong đó chỉ có một câu trả lời đúng.
Minh Hiếu