Những người Việt Nam ở NASA

Hiện chưa có con số thống kê chính thức số người Việt làm việc cho Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (National Aeronautics and Space Administration –NASA), nhưng ước tính có thể đến vài trăm người. Riêng Trung tâm nghiên cứu Ames (Mountain View, California) đã có khoảng 100 chuyên gia người Việt...

04-Nhung-nguoi-18609-300A1.jpg

Một hôm vào khoảng cuối tháng 5.1975, Gs Trần Đại Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước gọi tôi lên và bảo: “Tôi vừa nhận được bức thư và tập tài liệu của một Trung tá quân đội Sài Gòn gửi cho Ủy ban, anh đem về nghiên cứu và trả lời”. Tập tài liệu này là bản thiết kế tên lửa mà tác giả nói đã gửi cho Gs Nguyễn Xuân Vinh ở NASA xem, được Gs Nguyễn Xuân Vinh đánh giá tốt và cho là khả thi. Đây là lần đầu tiên tôi được biết có một vị giáo sư người Việt Nam làm việc ở NASA.

Gs Nguyễn Xuân Vinh sinh năm 1930 tại Yên Bái. Ông có bằng cử nhân Toán học và tốt nghiệp Học viện Không quân Pháp năm 1953. Tôi được biết một số chi tiết về cuộc đời ông qua cuốn sách Tâm sự tướng lưu vong, hồi ký của Trung tướng quân đội Sài Gòn Đỗ Mậu do NXB Công an nhân dân ấn hành năm 2001. Năm 1958 (28 tuổi), Nguyễn Xuân Vinh được đặc cách phong quân hàm Đại tá và đảm nhiệm chức vụ Tư lệnh không quân (ngụy quyền Sài Gòn). Sáng ngày 27.2.1962, hai phi công của quân đội Sài Gòn là Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử lái hai chiếc máy bay ném bom xuống Dinh Độc Lập nhưng một quả bom không nổ, Diệm và Nhu thoát chết, chỉ có Trần Lệ Xuân bị thương nhẹ. Khi xảy ra vụ ném bom Dinh Độc Lập, Bộ Trưởng Quốc phòng Nguyễn Đình Thuần và Đại tá tư lệnh Không quân Nguyễn Xuân Vinh còn công du tại Đài Loan, hai ông vội trở về nước ngay. Về đến Sài Gòn họ vội vã vào vấn an Tổng thống liền bị Ngô Đình Diệm hỏi ngay: “Có phải các ông biết trước vụ ném bom nên bỏ ra nước ngoài không?”. Biết Tổng thống Diệm không còn tin tưởng mình nữa, Nguyễn Xuân Vinh xin từ chức, giải ngũ và đi học ở Mỹ. Lúc này ông 32 tuổi. NASA đã thu nhận ông, bảo trợ cho ông nghiên cứu thành công việc tính toán quỹ đạo tối ưu cho con tàu vũ trụ bay lên Mặt trăng, và đây cũng là đề tài luận án Tiến sỹ của ông. Ông là người Việt Nam đầu tiên được trường Đại học Colorado (Mỹ) cấp bằng Tiến sỹ khoa học Không gian chỉ sau khi ông đến Mỹ hơn một năm. Kể từ năm 1972, ông là giáo sư về không gian tại Đại học Michigan và đã chủ tọa nhiều buổi bảo vệ luận án Tiến sỹ. Ngoài ra, ông còn là giáo sư thỉnh giảng của trường Cao đẳng quốc gia nghiên cứu Hàng không và Không gian Pháp (Ecole Nationale Supérieure d’Etudes Aérospatiales) và phụ trách môn toán học ứng dụng tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan. Tên tuổi của Gs Nguyễn Xuân Vinh được tôn vinh trang trọng trong phòng trưng bày những thành tựu chinh phục vũ trụ của NASA tại Trung tâm điều khiển các chuyến bay vũ trụ tại Houston, bang Texas.

04-Nhung-nguoi-18609-300A2.jpg

NASA được thành lập ngày 1.10.1958 dưới thời Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower, lúc đầu chỉ có 4 đơn vị trực thuộc và khoảng 8.000 nhân viên. Hiện nay NASA có trụ sở hành chính ở Washington và có hơn 20 cơ sở trực thuộc nằm rải rác khắp nước Mỹ. Vào năm 1995 số nhân viên của NASA là 21.000 người và ngân sách là 14,4 tỷ USD. Từ sau năm 2000, số nhân viên có giảm, đến nay còn khoảng 15.000 người. Trong số những người Việt làm việc cho NASA, có nhiều người thành đạt. Một trong những gương mặt nổi bật là Ts Vật lý Thiên văn Eugene H. Trinh, tên Việt là Trịnh Hữu Châu, làm việc tại đơn vị NASA – JPL (Jet Propulsion Laboratory – Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực).

Trịnh Hữu Châu, sinh năm 1950 tại Sài Gòn, sống thời thơ ấu tại Paris. Sau khi tốt nghiệp trung học tại Pháp, năm 1968 ông sang Mỹ. Năm 1972, ông đậu cử nhân khoa học tại Đại học Columbia, năm 1977 bảo vệ luận án Tiến sỹ tại Đại học Yale. Ông từng là giám đốc Bộ phận nghiên cứu Vật lý tại Tổng hành dinh của NASA và hiện là giám đốc Bộ phận Khoa học tự nhiên của NASA tại Washington. Năm 1992, ông đã thực hiện chuyến bay trên tàu con thoi vũ trụ (space shuttle – navette spatiale) mang tên Columbia. Chuyến bay của Ts Trịnh Hữu Châu cùng đoàn phi hành 7 người được ký hiệu là STS – 50 ( tức là chuyến bay thứ 50 của tàu con thoi vũ trụ), kéo dài trong 13 ngày 19 giờ 30 phút, từ ngày 25.6.1992 - 9.7.1992. Đây là một trong những chuyến bay dài ngày nhất trong chương trình tàu con thoi vũ trụ của Mỹ (các chuyến bay khác thường chỉ kéo dài khoảng 1 tuần). Ts Trịnh Hữu Châu đã có trên 40 công trình nghiên cứu khoa học, là thành viên của nhiều học hội tại Mỹ và châu âu. Ông cũng nhận được nhiều huy chương của NASA, trong đó có Huy chương phi hành gia vũ trụ và Huy chương Thành tựu khoa học xuất sắc.

Cùng làm việc tại NASA – JPL còn có Ts Nguyễn Thành Tiến, người đã được NASA trao tặng Huy chương ngoại hạng vì những đóng góp trong chương trình đưa trạm thăm dò Galileo lên thám hiểm sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ Mặt trời. Trạm thăm dò này phóng ngày 19.10.1989 sau khi đi mất 6 năm trên chặng đường dài 4 tỷ km, ngày 7.12.1995 đã đến bầu khí quyển sao Mộc, đo nhiệt độ, áp suất, thành phần khí quyển sao Mộc và truyền kết quả về Trái Đất.

Tôi có dịp được quen biết một nhà khoa học người Việt làm việc tại NASA – JPL: Ts Nguyễn Trọng Hiền. Anh sinh năm 1963 tại Đà Nẵng. Tôi gặp anh lần đầu tiên vào năm 1993 tại Gặp gỡ Việt Nam (Rencontres du Việt nam) lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội. Đây là Hội thảo quốc tế về Vật lý thiên văn và Vật lý hạt cơ bản, có sự tham dự của nhiều nhà khoa học nổi tiếng như giáo sư người Mỹ J.Steinberger, giải thưởng Nobel Vật lý 1988… Ts Nguyễn Trọng Hiền đã đọc một báo cáo rất hấp dẫn về một số kết quả nghiên cứu Vật lý thiên văn tại trạm quan sát ở Nam cực nơi anh đã làm việc 6 tháng sau khi lấy bằng Tiến sỹ tại Đại học Chicago. Trong chuyến đi Nam cực lần thứ hai với tư cách là giám đốc kỹ thuật của trạm quan sát, thấy có cờ các nước cắm ở Nam cực mà không có cờ Việt Nam, anh đã tự may một lá cờ Việt Nam cắm lên Nam cực. Tháng 8.2004, tôi gặp lại anh ở Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 5, cũng tại Hà Nội. Anh cho biết từ mấy năm nay đã làm việc cho NASA trong phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực JPL tại Panaseda, bang California, nghiên cứu thiết kế một kính thiên văn vũ trụ mới thay cho kính thiên văn vũ trụ Hubble khi kính này hết thời hạn sử dụng. Tôi cũng được biết Ts Nguyễn Trọng Hiền đang hướng dẫn nghiên cứu sinh Việt Nam làm luận văn Tiến sỹ, góp phần để ngày càng có thêm nhiều người Việt Nam đến làm việc ở NASA.

Văn hóa

Nhân dân Sài Gòn - Gia Định kéo về Dinh Độc Lập chào mừng Quân giải phóng
Văn hóa - Thể thao

Nghệ thuật tạo và chớp thời cơ

Nghệ thuật tạo thời cơ, chớp thời cơ là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975; thay vì 2 năm như kế hoạch đã đề ra, chúng ta chỉ mất 55 ngày đêm thu non sông về một mối.

Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn
Văn hóa - Thể thao

Ký họa sống động những ngày tiến về Sài Gòn

Chứng kiến sự gian khổ của bộ đội ta trong những ngày kháng chiến và cả niềm hân hoan của ngày thống nhất, ông Trần Mạnh Tuấn, một họa sĩ không chuyên, nguyên phóng viên báo Pháp luật Việt Nam, đã thực hiện các bức ký họa bằng bút sắt sinh động ghi lại lịch sử không thể nào quên của dân tộc.

“Cho con là người Việt Nam” - Khi âm nhạc cất lên niềm tự hào dân tộc
Văn hóa

“Cho con là người Việt Nam” - Khi âm nhạc cất lên niềm tự hào dân tộc

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025) và 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 - 2.9.2025), MV "Cho con là người Việt Nam" của Tùng Dương chính thức được ra mắt như một lời tri ân sâu sắc tới lịch sử hào hùng của dân tộc và gửi gắm khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ Việt Nam.

Để lá cờ Tổ quốc không ngừng bay ở vĩ tuyến 17
Văn hóa

Để cờ Tổ quốc tung bay ở vĩ tuyến 17

Trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh chống Mỹ, hình ảnh lá cờ Tổ quốc ở vĩ tuyến 17 là niềm tin, hy vọng của Nhân dân về một ngày đất nước thống nhất. Và để bảo vệ lá cờ không ngừng bay giữa mưa bom, bão đạn, nhiều chiến sĩ đã cống hiến thanh xuân của mình.

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.