Cuốn sách "Cách mạng siêu nhân hóa" của tác giả Luc Ferry đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh, dễ hiểu nhất về thuyết siêu nhân hóa, sự thay đổi tất yếu và những chuyển giao giữa các hệ thống kinh tế và tư tưởng trên toàn thế giới, cùng với đó là những dự đoán về tương lai và những con đường khả dĩ mà con người có thể chọn lựa.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là đề tài nóng hổi hơn bao giờ hết khi "cơn sốt" ChatGPT trên toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Sự bùng nổ của công nghệ mở ra nhiều cơ hội, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức, về nguy cơ bị thế chỗ, "thống trị" bởi trí tuệ nhân tạo,... Những rủi ro về kinh tế, chính trị và mọi mặt của đời sống mà một xã hội ưu việt, "bậc cao" có thể đặt chân lên nhân loại đòi hỏi con người phải suy xét, phán đoán để tận dụng hoặc đương đầu.
Con người luôn khao khát vượt qua các giới hạn về thể chất và trí tuệ của chính mình. Tham vọng to lớn đó là động lực cho y học và khoa học phát triển suốt nhiều thế kỷ qua, nhằm phát minh những công nghệ mới có khả năng loại bỏ mọi bệnh tật, giúp ta trở nên siêu phàm và bất tử. Ngày nay, thế giới đã đi được một chặng đường rất xa, dần bắt kịp những tham vọng tưởng như bất khả thi nhất, tạo nên một cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử loài người: Cách mạng siêu nhân hóa, đưa con người trở thành "siêu nhân".
Theo Giám đốc Bảo tàng Công nghệ thông tin; Trưởng Tiểu ban mạng của Chương trình quốc gia về công nghệ thông tin Nguyễn Chí Công, định nghĩa "siêu nhân hóa" là niềm tin hoặc lý thuyết cho rằng loài người có thể tiến hóa vượt ra ngoài giới hạn thể chất và tinh thần hiện tại để trở thành bất tử hoặc siêu phàm, đặc biệt là bằng phương tiện khoa học và công nghệ. Những người theo trường phái siêu nhân hóa đấu tranh cho việc sử dụng công nghệ mới, tăng cường sử dụng tế bào gốc, công nghệ nhân bản vô tính trong sinh sản, công nghệ lai tạo người/máy, công nghệ gen và sửa chữa gen, những thứ sẽ làm biến đổi giống loài chúng ta theo chiều hướng không thể đảo ngược với mục đích cải thiện điều kiện sống của con người.
Luận bàn về những câu hỏi mà cách mạng siêu nhân hóa đặt ra, Chuyên gia về trí tuệ nhân tạo Đinh Trần Tuấn Linh cho rằng, câu hỏi lớn mà cuộc sách này đặt ra là: Con người sẽ làm gì khi trở nên bất tử? Liệu những gì ta vẫn coi là quan trọng, quý giá vẫn còn nguyên giá trị khi ta không còn sợ chết nữa, khi ta có tất cả thời gian trên đời cho riêng mình?
Theo chuyên gia Tuấn Linh, các nhà nghiên cứu đều thể hiện niềm tin rằng "siêu nhân hóa" thực sự có thể xảy ra và xem xét khả năng này một cách nghiêm túc. Vì đều tin tưởng rằng tương lai "siêu nhân hóa" là một điều khả thi, người ta bắt đầu suy nghĩ về việc đặt ra các giới hạn, các quy định và luật pháp để áp dụng ở phạm vi quốc tế, và đó là một lo lắng chính đáng.
Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng, có những công lao to lớn trong mọi mặt của cuộc sống hiện đại. Bên cạnh những tác động lớn lao thay đổi cả ngành y học, sự đổi mới không ngừng này cũng gây ra nhiều đảo lộn, dẫn tới sự ra đời cần thiết của một mô hình kinh tế mới nhằm thiết lập lại các mối quan hệ giữa người với người và cắt bỏ nhiều vai trò không còn cần thiết trong hệ thống.
Cuốn sách "Cách mạng siêu nhân hóa", Luc Ferry đã đề cập tới quá trình "Uber hóa" (Uberisation) khi các ngành nghề áp dụng công thức kinh tế chia sẻ có ứng dụng công nghệ và các công nghệ NBIC (bao gồm công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và khoa học nhận thức) được Luc Ferry đề cập tới và phân tích như hai phần chính yếu của cuốn sách với dự đoán rằng trong bốn mươi năm tới, chúng ta sẽ thay đổi không chỉ y học mà còn nền kinh tế của chúng ta với tốc độ và cường độ lớn hơn cả những gì đã diễn ra trong bốn nghìn năm qua.
Tuy kinh tế không cần tới công nghệ sinh học, nhưng internet vạn vật, dữ liệu lớn và công nghệ robot đang thâm nhập vào đời sống hàng ngày và đóng vai trò lớn trong quản lý và tổ chức xã hội. Nguồn tri thức vô hạn và miễn phí cũng tác động tới các vấn đề mang tầm triết học, như quyền tự do và kiểm soát số phận của bản thân, đặt ra vấn đề về bản sắc cá nhân, và cả cách thức ta lao động, trao đổi, giao tiếp cũng như xây dựng xã hội trong tương lai, Giám đốc Bảo tàng Công nghệ thông tin Nguyễn Chí Công nhận định.