Bóng đá kết nối thế giới
Ngày 30.6.2023, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) ra tuyên bố cấm đeo tấm băng đội trưởng bảy màu “OneLove” tại các trận đấu của World Cup nữ 2023. Lý do là để bảo đảm tính trung lập về quan điểm của các đội tuyển và liên đoàn thành viên đối với các vấn đề tôn giáo và chính trị. Quyết định này không khỏi khiến cho các đội tuyển bất ngờ và thất vọng, đặc biệt khi tấm băng đội trưởng này từng gây sốt trong các trận đấu tại World Cup nam diễn ra vào năm ngoái tại Qatar.
Tuy vậy, cũng ngay trong tuyên bố ngày 30.6, FIFA công bố 8 mẫu băng đội trưởng sẽ được các đội tuyển sử dụng tại World Cup nữ 2023, mang 8 thông điệp nằm trong chiến dịch “Bóng đá kết nối thế giới” do FIFA phối hợp với các cơ quan y tế, văn hóa, xã hội của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thực hiện.
8 thông điệp đó gồm: Đoàn kết vì sự hòa hợp (Unite for Inclusion), Đoàn kết vì các dân tộc bản địa (Unite for indigenous peoples), Đoàn kết vì bình đẳng giới (Unite for Gender Equality), Đoàn kết vì hòa bình (Unite for Peace), Đoàn kết vì cơ hội giáo dục cho mọi người (Unite for Education for All), Đoàn kết để xóa bỏ đói nghèo (Unite for Zero Hunger), Đoàn kết để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ (Unite for Ending Violence Against Women), Bóng đá là niềm vui, hòa bình, tình yêu, hy vọng và đam mê (Football is Joy, Peace, Love, Hope & Passion).
Động thái trên không thể làm hài lòng tất cả người hâm mộ bóng đá thế giới, nhưng với những kết quả và thành công được chứng kiến tại World Cup năm nay, những thông điệp FIFA muốn truyền tải đã đến được tới đúng địa chỉ. World Cup 2023 đã thực sự là ngày hội kết nối người yêu bóng đá toàn thế giới và lan tỏa tinh thần hòa bình, hy vọng và đam mê.
Khẳng định mình và được thừa nhận
World Cup nữ 2023 lần đầu tiên mở rộng thành phần tham dự lên 32 đội, tạo điều kiện để nhiều đội bóng ở nhóm giữa và khá của các châu lục giành cơ hội góp mặt ở sân chơi thế giới, trong đó có Việt Nam. 8 đội tuyển bóng đá nữ góp mặt lần đầu tại sân chơi thế giới năm nay đều trải qua ít nhiều gian truân trong một khoảng thời gian dài.
Đội tuyển Haiti gồm những tuyển thủ từng trải qua trận động đất kinh hoàng năm 2010, không nhận được sự ủng hộ của Liên đoàn bóng đá nước nhà và không thể thi đấu trên sân nhà suốt chiến dịch vòng loại. Các tuyển thủ Panama đấu tranh không ngừng nghỉ để được hưởng lương và điều kiện tập luyện phù hợp. Jamaica phải huy động ủng hộ từ người hâm mộ để bắt chuyến bay tới Australia tham dự giải...
Sự gian khổ là điểm chung để người hâm mộ nhớ tới họ. Nhưng cũng chính họ đã khiến người hâm mộ cảm phục với màn trình diễn quả cảm trước các đội tuyển hàng đầu thế giới. Hình ảnh huyền thoại Marta của đội tuyển Brazil đổ gục khi bị các cô gái Jamaica đoạt tấm vé đi tiếp là một ấn tượng của giải đấu năm nay. Hay hình ảnh Nouhaila Benzila của đội tuyển Morocco tự tin sải bước chạy cùng chiếc hijab (khăn đội đầu) trong hành trình lịch sử của “Những chú sư tử Atlas” tại vòng 16 đội trước đội tuyển Pháp.
Giải đấu năm nay không chỉ chứng kiến sự đổi ngôi của bóng đá nữ thế giới khi đón chào tân vương Tây Ban Nha, mà còn cả những cuộc lật đổ vĩ đại khi hàng loạt cái tên trong top 10 thế giới thất thế và bị loại sớm, nhường chỗ cho sự tỏa sáng của những cái tên lạ lẫm. Những đội tuyển như Morocco, Jamaica hay Nam Phi đã thi đấu quả cảm không chỉ đem về niềm tự hào cho đất nước, mà còn để thể hiện một điều rằng: khoảng cách trình độ thu hẹp dần, bóng đá nữ giờ dành cho tất cả.
Mỗi chiến thắng, mỗi vinh quang đều là động lực to lớn cho cuộc đấu tranh vì sự phát triển và bao trùm của bóng đá nữ. Chức Á quân thế giới của đội tuyển Anh là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng loạt trẻ em gái nhập cư tại xứ sở sương mù theo đuổi đam mê bóng đá, và cũng là động lực để các tổ chức phi chính phủ tại đây đầu tư cơ sở vật chất, tạo cơ hội tiếp cận, tập luyện bóng đá cho trẻ em gái và các nhóm yếu thế khác. Hình ảnh Benzila đội hijab cùng Morocco làm nên lịch sử trước người Pháp là hồi chuông cảnh tỉnh để Liên đoàn Bóng đá xứ sở lục lăng xem xét lại lệnh cấm “hijab” trong bóng đá nữ. Và mỗi màn trình diễn mãn nhãn trên sân cỏ là một lời tuyên bố nữa cho thu nhập và sự tôn trọng bình đẳng mà bóng đá nữ xứng đáng được nhận.
Việt Nam - nỗ lực dự phần vào sứ mệnh bao trùm
Cuối cùng, không thể không kể tới những nỗ lực của các cô gái Việt Nam trong hành trình lịch sử tại sân chơi thế giới. Đây không đơn giản là thành quả của chiến dịch vòng loại kéo dài vài tháng, mà là nhiều năm tập luyện, tập huấn, cọ xát để duy trì phong độ, chờ đợi và nắm bắt thời cơ vàng. Đó còn là thành quả của sự đầu tư có tầm nhìn và chiến lược bài bản, kế thừa nền tảng nhiều thế hệ bóng đá nữ Việt Nam đã gây dựng.
Câu chuyện của đội tuyển nữ Việt Nam không kém phần gian khó như các tân binh khác, và đóng góp của chúng ta vào giải đấu cũng ý nghĩa như các đội tuyển còn lại. Dù không ghi được bàn thắng, không ghi được điểm số nào, nhưng một hàng thủ kiên cường, với những cái tên được đối thủ ghi nhớ và tôn trọng. Việt Nam được ghi nhận là đội tuyển Fair-play thứ 8 tại World Cup với chỉ 2 thẻ vàng. Thủ môn Kim Thanh lọt vào đội hình tiêu biểu của loạt trận vòng bảng đầu tiên. Đó là đóng góp của chúng ta vào việc thu hẹp khoảng cách của bóng đá nữ thế giới đương đại tại giải đấu năm nay.
Trái bóng World Cup nữ 2023 đã ngừng lăn. Chúng ta sẽ lại đợi bốn năm nữa để chứng kiến những dấu mốc lịch sử. Nhưng những thông điệp trên các tấm băng đội trưởng kia sẽ tiếp tục lan tỏa, cổ vũ những người đã và đang đấu tranh vì sự nghiệp phát triển bóng đá nữ giới.