1. Khi một người từng có tương giao ra đi, tôi thường cố kìm cảm xúc, không muốn lên Facebook hay báo chí kể những kỷ niệm về họ (dù tôi hoàn toàn tôn trọng những người lựa chọn khác tôi).
Từ giã cõi đời là một sự kiện thiêng liêng với mỗi cá nhân và những người thân yêu của họ. Nếu quá gần gũi, tôi muốn gìn giữ giây phút thiêng liêng ấy cho riêng mình và người vừa mất. Nếu không đủ gần gũi, tôi không dám chạm vào khoảng riêng tư đó của những người quan trọng nhất với họ. Tôi thường chọn lùi vào một góc khuất, lặng lẽ chào tiễn biệt.

Nhiều năm nay cứ lùi hoài như vậy, có những ngày, như hôm qua, tôi hụt hẫng không ngờ. Bạn đồng nghiệp cũ của tôi nhắc, chỉ mấy năm Covid thôi mà bao người chúng tôi quen biết đã ra đi: Ngọc Châu, Phú Quang, Tuấn Gà, Phó Đức Phương, Vũ Nhật Tân… Từng người từng người… Những hơi ấm tôi từng có ở nơi tôi từng sinh ra, từng là một cô gái trẻ, từng được nói tiếng mẹ đẻ hàng ngày…
Cuộc sống của tôi ở Việt Nam khá đơn giản, ở nhà, đi học, làm báo, viết thơ. Không kể gia đình, thì quan hệ ngoài công việc của tôi cũng đều từ công việc mà ra. Tôi là một người hoàn toàn bình thường, không có gì đáng kể ra được, nhưng hầu hết những người tôi từng quen ở Việt Nam lại đều là người rất nổi tiếng.
Với tôi, họ có nghĩa hoàn toàn không phải vì nổi tiếng. Mà vì, họ là những người từng tham dự vào đời sống của tôi. Nếu thời gian sống của tôi như một tấm khăn, thì họ giống như những sợi vải ấm áp của tấm khăn đó. Và một vài kỷ niệm, như những viên ngọc châu, lẳng lặng sáng đâu đó trong ký ức.
2. Nghĩ về nhạc sĩ Ngọc Châu, bao giờ tôi cũng bất giác mỉm cười. Như một sự đáp lại hình ảnh anh trong ký ức - gương mặt hiền lành, nụ cười rất hiền lành, đôi mắt tuyệt vời hiền lành lấp lánh sau cặp đít chai. Lúc nào cũng hơi ngơ ngác.
Ngọc Châu có vẻ ngơ ngác cố hữu, không cần lý do. Lần nào gặp tôi, anh cũng ngơ ngác: “Ơ, em Dạ Thảo Phương hả!". Có lần, tôi xin phỏng vấn anh, hẹn nhau ở quán cà phê gần Nhà hát Lớn. Đúng giờ, đúng địa điểm, mà "người giời" vẫn ngơ ngác hỏi: “Ơ, em Dạ Thảo Phương à?”.
Tôi quen Ngọc Châu năm tôi chừng 19, 20 tuổi. Hồi đó, tôi thường theo các anh, các chị nhà thơ, nhạc sĩ lớn tuổi hơn đi lang thang phơ phất qua các buổi sinh hoạt thơ, nhạc của những người sáng tác trẻ. Hầu hết các anh, các chị này giờ đều rất nổi tiếng, bận bịu nhiều chuyện đại sự và đam mê kiếm tiền. Nhưng hồi đó tất cả chỉ đam mê nghệ thuật, đam mê tìm kiếm những kẻ có niềm đam mê tương tự mình. Chúng tôi đọc, hát các sáng tác mới cho nhau nghe, chia sẻ cho nhau những cuốn sách hiếm hoi, những cuốn băng cassette tự thu. Chúng tôi chẳng ai có tiền mà không ai có thời gian nghĩ đến tiền.
Trong một buổi gặp gỡ như vậy, khi về, “tổ chức” phân công thanh niên trai tráng đưa các bạn nữ trẻ về nhà, Ngọc Châu cười hiền, xung phong nhận trách nhiệm hộ tống tôi. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hồi đó anh Châu đã có xe máy, còn tôi vẫn đi chiếc xe mifa cà tàng màu xanh ngọc. Anh Châu cứ rè rè lái xe cạnh tôi như vậy, vừa đi vừa nói chuyện dịu dàng, từ tốn. Trời mưa to, nhà tôi trong ngõ sâu, nước ngập ngang người, tôi ngại ngần nói "anh thả em đầu ngõ được rồi ạ!", nhưng anh Châu vẫn nhất quyết đưa tôi về tận nhà. Đứng dưới giàn ti gôn lõng thõng nước, tôi ngần ngừ nhìn cái sân đã biến thành ao trước mặt, lí nhí hỏi đúng phép lịch sự sách dạy: “... Anh có vào nhà em uống nước không ạ?”. Ngọc Châu cũng nhìn cái sân đầy nước đục ngầu, cười: “Lần sau nhé, em vào nhà thay quần áo kẻo lạnh”.
Sau này, một người bạn nhạc sĩ của anh bảo: “Này, thằng Châu choáng váng vì em, chết hẳn rồi đấy!”. Tôi đương nhiên không tin. Tôi chỉ là một vịt con xấu xí, ngượng nghịu, còn anh Châu thì cả nước hát nhạc của anh ấy.
Nhiều năm sau bạn anh vẫn bảo tôi: “Hồi xưa Ngọc Châu mê em lắm, anh can mãi không được. Thế rồi chẳng hiểu sao tự tỉnh ra, may thế”. Lúc này, tôi đã miễn nhiễm khỏi mọi trêu chọc của đám anh nghệ sĩ, cười phớ lớ không thèm cãi.
Hôm qua nói chuyện về Ngọc Châu, bạn anh lại khăng khăng bảo: “Ngày xưa anh Châu ngơ ngẩn vì em thật. Anh không dám can dự vào cảm xúc đầu đời của anh ấy”. Tất nhiên chuyện thinh thích này là một chuyện trêu chọc lăng nhăng hoàn toàn không có thật, nhưng trong một lúc, tôi đã cảm thấy vừa hạnh phúc, vừa mất mát.
Hạnh phúc vì được sống lại những câu chuyện trêu chọc hồn nhiên vô bổ của một thời trong veo, đầy đam mê nghệ thuật ấy. Và mất mát vì những sợi vải ấm áp, những hạt ngọc châu nho nhỏ từng tạo nên tấm khăn thời gian sống của tôi cứ lần lượt tuột đi, không gì níu được.
Không. Ngọc Châu mỗi lần gặp đều ân cần đưa tôi về tận nhà, cô gái là chính tôi mà tôi từng quên, cùng bao nhiêu các anh chị em, bạn bè đam mê nghệ thuật thuở ấy… Chúng tôi đã được bảo bọc và vẫn sống trong một thế giới mà Cái Chết, những xa cách về địa lý, quan điểm, những biến cố cuộc đời… đều không thể chạm tới được.
Ngọc Châu đã từ biệt cõi trần, tôi còn chưa xong việc của mình, nán lại thêm chút nữa. Ở nơi anh đến, có các anh Lương Minh, Phó Đức Phương, Phú Quang… và nhiều anh em bạn bè khác.
Khéo rồi, lại tụ tập hát hò.
Lại bịa chuyện trêu nhau.
Đau đầu với các anh lắm ấy!