Nghe tin NSƯT Bùi Cường qua đời đột ngột ở tuổi 71, bèn mở “Làng Vũ Đại ngày ấy” ra xem lại lần nữa. Trong những bộ phim kinh điển của điện ảnh Việt Nam ngày trước, tôi đặc biệt yêu thích hai bộ phim của đạo diễn Phạm Văn Khoa: “Chị Dậu” (1980) và “Làng Vũ Đại ngày ấy” (1982). Cả hai, vốn là những tác phẩm văn chương nổi tiếng đã bước thẳng từ ghế nhà trường lên màn ảnh qua tay nghề tài hoa của đạo diễn Phạm Văn Khoa. Không chỉ khiến những nhân vật kinh điển của văn chương một lần nữa được sống lại qua hình hài của điện ảnh như Chị Dậu, Nghị Quế, Giáo Thứ, Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Bá Kiến, Lý Cường..., đạo diễn tài năng Phạm Văn Khoa còn kiến tạo ra một không gian văn hóa đậm đặc của làng quê Bắc Bộ trong xã hội cũ.

Thế nào là một bộ phim kinh điển? Là trong trường hợp tác phẩm dựa vào chất liệu của văn chương mà khi xem phim ta không cảm giác bộ phim nệ, lệ thuộc vào văn chương nhưng vẫn trung thành với tinh thần của tác phẩm gốc. Như “Làng Vũ Đại ngày ấy”, được biên kịch Đoàn Lê (người cũng vừa qua đời cuối năm 2017) chuyển thể từ ba tác phẩm độc lập của nhà văn Nam Cao: tiểu thuyết “Sống mòn” và hai truyện ngắn “Chí Phèo”, “Lão Hạc” nhưng bà đã đưa ba tác phẩm ấy quy tụ lại trong cùng một không gian văn hóa, một làng quê Bắc Bộ dưới thời người dân Việt Nam phải chịu cảnh một cổ hai tròng: vừa bị thực dân Pháp đô hộ, vừa bị bọn cường hào quan lại phong kiến chèn ép, hà hiếp.
“Dáng vẻ của một kẻ bị lưu manh hóa ở làng quê được thể hiện không chỉ qua hình thức mà còn ở nội tâm nhân vật, đặc biệt là qua hai phân cảnh kinh điển: cảnh Chí Phèo và Thị Nở sau đêm ở vườn Chuối và cảnh hắn thức tỉnh sau cái chết của Lão Hạc. Lối diễn xuất nhập đồng ấy đã khiến vai diễn này trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam” |
Thế nào là một bộ phim kinh điển? Là khi xem lại vẫn thấy hay, thấy nhuần nhị, tự nhiên và thấy những câu chuyện trên màn ảnh vẫn còn một giá trị thời sự nào đó. Những thân phận nông dân thấp cổ bé họng bị ức hiếp đến đường cùng như Chị Dậu, bị lưu manh hóa như Chí Phèo, hoặc phẫn uất đến nỗi phải ăn bả chó mà chết như Lão Hạc..., tôi e là thời nào cũng có, không kiểu này thì kiểu khác.
Và xem phim xưa, luôn luôn thấy phục sự tài hoa và khả năng nhập vai của diễn viên. Sao họ đóng hay thế, thật thế! Nỗi niềm của một người trí thức thất thời lạc thế như giáo Thứ (Nguyễn Hữu Mười), thân phận người nông dân già cô đơn buồn tủi phải sống với con chó vàng như Lão Hạc (nhà văn Kim Lân) và đặc biệt là cặp đôi “giời đày” Chí Phèo - Thị Nở (Bùi Cường, Đức Lưu) đều hiện lên màn ảnh sống động và tự nhiên, cảm giác không phải họ diễn nữa mà họ đang sống trong nhân vật, sống cùng nhân vật.
Như Bùi Cường, với vai diễn “chết vai” Chí Phèo chẳng hạn. Hồi đó khái niệm “method acting” (diễn xuất nhập tâm) ở điện ảnh Việt Nam chắc chưa biết, nhưng với vai diễn này, tôi có cảm giác như anh đang vận dụng lối diễn xuất “nhập hồn nhập xác” ấy. Phim được kể lại qua lời tự sự của giáo Thứ, một người trí thức thất thời lỡ thế phải trở về quê để sống nhờ vợ, và ông đã chứng kiến những thân phận người nông dân cùng đường trong làng quê Vũ Đại ngày ấy: Đặc biệt là hai thân phận cùng đinh Chí Phèo, Lão Hạc. Trong bộ phim gom cả ba tác phẩm văn chương nổi tiếng với hệ thống nhân vật khá dày đặc, vẫn được đạo diễn Phạm Văn Khoa chỉ đạo rất gọn gàng, không thừa không thiếu chỉ trong 90 phút phim. Nhân vật Chí Phèo của Bùi Cường chỉ xuất hiện trong khoảng 7, 8 phân đoạn phim với thời lượng chắc chỉ cỡ 12-14 phút, nhưng mỗi lần anh xuất hiện trên màn ảnh là mỗi lần ta có cảm giác anh đang thăng hoa cùng vai diễn.
Dáng vẻ của một kẻ bị lưu manh hóa ở làng quê được thể hiện không chỉ qua hình thức (chằng chịt vết rạch mặt ăn vạ, tóc tai bù xù, hai mắt trợn trạo trắng dã, hàm răng xỉn, bước thấp bước cao của kẻ say xỉn chửi bới quanh năm...) mà còn ở nội tâm nhân vật, đặc biệt là qua hai phân cảnh kinh điển: cảnh Chí Phèo và Thị Nở sau đêm ở vườn Chuối và cảnh hắn thức tỉnh sau cái chết của Lão Hạc, vác dao đến “đòi làm người lương thiện” ở nhà Bá Kiến. Lối diễn xuất “method acting” kiểu nhập đồng ấy đã khiến vai diễn này trở thành kinh điển của điện ảnh Việt Nam. Chỉ với khoảng 12 phút diễn xuất, Bùi Cường đã được trao giải “Nam diễn viên chính xuất sắc nhất” tại LHP Việt Nam năm 1983. Và đã 36 năm kể từ khi bộ phim ra đời, cho dù đã đóng bao nhiêu bộ phim khác, cứ nhắc đến Bùi Cường, người ta lại nhắc đến Chí Phèo và ngược lại.
Một đời diễn, còn mong gì hơn thế!