Mất 10 năm để “giải mã” chuẩn hóa quy trình sản xuất phân bón hữu cơ
Công ty TNHH Thương mại Trang trại Việt (Việt Farm) tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc là doanh nghiệp tiên phong đầu tư nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao trên địa bàn tỉnh không chỉ vì sản xuất phân bón hữu cơ công nghệ cao mà còn đầu tư trang trại sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao từ trồng cây trong nhà màng đến khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ.

Tháng 3.2022 vừa qua, Việt Farm đã làm việc với đoàn đánh giá nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Theo báo cáo đánh giá chuyển đổi sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nhiều yêu cầu theo tiêu chuẩn hữu cơ như phải có quy trình hoạt động sản xuất hữu cơ; người điều hành sản xuất hoặc quản lý sản xuất trực tiếp phải được đào tạo về nông nghiệp hữu cơ do tổ chức chứng nhận triển khai, tiếp tục chuẩn hóa các tiêu chuẩn về đất, nước… Để đạt được chứng nhận hữu cơ theo chuẩn Nhật Bản, doanh nghiệp còn phải thực hiện nhiều bước tiếp theo. Nhưng để được như thời điểm hiện tại, ngay từ khi mới đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vào năm 2008 đến nay, Việt Farm đã trải qua cả hành trình dài, gặp không ít những khó khăn.
Giám đốc Việt Farm Trần Quang Tính cho biết, “tôi mất 10 năm đầu tiên “giải mã” về con gà để chuẩn hóa được quy trình nuôi hoàn toàn tự động từ hệ thống cho ăn đến thu gom phân gà, hệ thống làm mát, nguồn phân thải ra được làm khô, xử lý ngay để bảo toàn nguồn dinh dưỡng đồng thời trại nuôi không mùi, không ruồi. Tuy sản phẩm của trang trại chỉ mới đạt chứng nhận GlobalGAP nhưng ngay từ những ngày đầu bắt tay vào sản xuất, Việt Farm đã xây dựng theo quy trình sản xuất chuẩn hữu cơ ứng dụng công nghệ cao như nguồn đất sạch để trồng cây trong nhà màng là cát được xử lý nhiệt để triệt tiêu các mầm bệnh và nấm có thể gây hại cho cây trồng trộn với phân bón hữu cơ. Hệ thống nhà màng áp suất âm thông minh có thể điều chỉnh được nhiệt độ, áp suất và tốc độ gió. Nhờ hệ thống nhà màng tiên tiến kháng sâu bệnh này nên quy trình trồng rau, dưa lưới của trang trại không sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ. Rau, dưa lưới được phát triển tự nhiên, thu hoạch khi đủ tuổi, không sử dụng thuốc kích thích.
Các sản phẩm của Việt Farm đều được đưa đi kiểm nghiệm và đều đạt mẫu sản phẩm rau, trái cây có nguồn gốc hữu cơ, không phát hiện thành phần phân bón vô cơ. Ông Trần Quang Tính cho hay, “hiện nay, doanh nghiệp có nhiều đối tác nước ngoài đặt vấn đề hợp tác xuất khẩu rau trái hữu cơ nên cần làm chứng nhận để sản phẩm tham gia tốt thị trường xuất khẩu. Ngoài câu chuyện làm kinh tế, mục tiêu của tôi còn là làm ra thực phẩm sạch trước hết cho chính gia đình mình sử dụng rồi mở rộng ra người tiêu dùng”.
Nhân rộng mô hình, gắn với chế biến và tiêu thụ
Chủ tịch UBND xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) Nguyễn Thanh Hương cho biết, thực hiện chủ trương sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững của huyện, xã đã quy hoạch vùng chuyên canh 300ha và hướng dẫn nông dân chuyển sang chăm sóc theo quy trình VietGAP. Nhờ vậy, 3 năm nay, sầu riêng của xã Xuân Định luôn có đầu ra ổn định, giá cao. Mới đây, một doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến sầu riêng trên địa bàn xã.
Theo ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc HTX Xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc), quá trình thực hiện dự án cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ xoài, HTX nhận được nhiều hỗ trợ từ địa phương và các ngành chức năng. Đó là việc thực hiện các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, mã vùng trồng, hỗ trợ kinh phí làm hệ thống nước tưới, vay vốn, tập huấn kỹ thuật. Nhờ đó, mỗi năm HTX xuất khẩu sang Ukraine, Trung Quốc khoảng 1.000 tấn xoài và bán cho các nhà máy chế biến trong nước gần 1.000 tấn.
Xây dựng chứng nhận và hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số vùng chuyên canh là một trong những mục tiêu mà huyện Tân Phú đang hướng tới nhằm tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh riêng của địa phương. Trong đó, vùng nuôi tôm càng xanh tại xã Trà Cổ là vùng chuyên canh đã tạo được thương hiệu riêng từ nhiều năm nay trên thị trường. Điều đáng nói, dù là huyện miền núi nhưng Tân Phú lại có sản phẩm thủy sản nổi tiếng về chất lượng và có lợi thế cạnh tranh là sản phẩm tôm càng xanh, được nuôi tập trung tại khu vực xã Trà Cổ, trên diện tích khoảng 54ha, trong đó có trên 30ha nuôi theo mô hình VietGAP.
Ông Hoàng Văn Bính, Tổ trưởng Tổ hợp tác thủy sản Trà Cổ cho biết, bà con ở Trà Cổ lâu nay luôn nỗ lực áp dụng mô hình nuôi tôm VietGAP để giữ vững thương hiệu, mong sản phẩm được phát triển xa hơn nữa. Tuy nhiên, người nông dân chỉ biết chăn nuôi, không đủ khả năng xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc nếu không có sự hỗ trợ từ địa phương cũng như các cơ quan chức năng. Do đó, người dân mong muốn những hỗ trợ sớm được triển khai để sản phẩm tôm càng xanh VietGAP vùng cao có thể vươn xa hơn ra thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.