Công việc quá tải, thu nhập chưa tương xứng
Là tuyến cơ sở, trong thời gian cao điểm của dịch Covid-19, bác sĩ, nhân viên tuyến y tế cơ sở tại Đồng Nai thường xuyên quá tải công việc. Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế TP. Biên Hòa cho biết: chỉ tính riêng công tác tiêm chủng, bình thường 1 năm, các trạm y tế ở TP. Biên Hòa tiêm chủng mở rộng cho khoảng 20.000 trẻ, nay chỉ trong 1 tháng, các trạm y tế đã tiêm vaccine cho hơn 1 triệu người dân (bằng khối lượng công việc của 50 năm). Ngoài ra, TYT còn phải truy vết F0, lấy mẫu xét nghiệm, khám chữa bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia... Ngay cả khi tỉnh bước sang giai đoạn “bình thường mới”, công việc của lực lượng y tế cơ sở không giảm mà lại càng nhiều hơn, nặng nề hơn, áp lực hơn khi phải quản lý, giám sát cách ly F0 tại nhà.
Thời gian qua, đã có nhiều nhân viên trạm y tế phường, xã bỏ việc, nguyên nhân chính vẫn là do áp lực công việc nhiều mà thu nhập lại quá thấp, công đoàn ngành y tế Đồng Nai cũng đã ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ y tế cơ sở, từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4.2021 đến nay, khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở tăng gấp nhiều lần.
Trước kia, nhân viên trạm y tế chỉ làm 8 giờ/ngày, được nghỉ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, nay họ phải làm “3 tại chỗ” trong nhiều tháng với mỗi ngày từ 16 - 18 giờ, không có ngày nghỉ, ngày lễ. Trong khi đó, mức thu nhập vẫn giữ nguyên. Đó là chưa kể, do tập trung hết vào công tác phòng, chống dịch nên các trạm y tế không triển khai công tác khám chữa bệnh, không có thu nhập tăng thêm, dù khoản tiền tăng thêm này không nhiều.
Do đó, giải pháp tăng lương, tăng chế độ, thu nhập là yêu cầu chính đáng để nhân viên y tế cơ sở yên tâm công tác. Dù đã cơ bản được kiểm soát, nhưng dịch Covid-19 vẫn còn tiềm ẩn trong cộng đồng, nên ngoài chế độ đãi ngộ, cần có sự “chia lửa” với nhân viên y tế cơ sở trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu phục vụ nhân dân.

Giải bài toán cho y tế cơ sở
Xác định y tế cơ sở, nhất là tuyến y tế xã, phường, thị trấn là nền móng của toàn bộ hệ thống y tế, là đơn vị y tế gần dân nhất, là lực lượng chủ lực giải quyết các vấn đề chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân tại cộng đồng. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Đề án “Tăng cường chất lượng và nâng cao năng lực hoạt động cho tuyến y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022 - 2030”.
Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn. Để có thể hoàn thành được mục tiêu đó, Đề án đặt ra các giải pháp trọng tâm, đó là:
Thứ nhất, thống nhất mô hình trung tâm y tế huyện, thành phố thuộc tỉnh, thực hiện đầy đủ các chức năng về y tế dự phòng, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện là đơn vị chuyên môn thuộc trung tâm y tế huyện; số lượng người làm việc tại trạm y tế xã nằm trong tổng số người làm việc của trung tâm y tế huyện được xác định theo vị trí việc làm trên cơ sở khối lượng công việc phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế ở địa phương.
Thứ hai, xác định rõ nhiệm vụ của các trạm y tế là chăm sóc sức khỏe ban đầu; thực hiện việc quản lý sức khỏe toàn diện, liên tục cho từng người dân trên địa bàn, tập trung vào việc theo dõi, tư vấn về sức khỏe, chăm sóc giảm nhẹ, phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, bà mẹ, trẻ em; phòng chống các bệnh lây nhiễm, không lây nhiễm, quản lý các bệnh mạn tính; khám bệnh, chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ và kết nối, chuyển người bệnh lên các cơ sở y tế tuyến trên.
Thứ ba, các trung tâm y tế huyện, bệnh viện đa khoa khu vực tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, phát triển các dịch vụ, kỹ thuật y tế, bao gồm cả lĩnh vực xét nghiệm, cận lâm sàng bảo đảm thuận lợi, phù hợp để thực hiện đầy đủ các kỹ thuật điều trị đa khoa và chăm sóc cơ bản, thường xuyên chỉ đạo, hỗ trợ trực tiếp về chuyên môn, gắn kết chặt chẽ hoạt động của các trung tâm y tế huyện, bệnh viện đa khoa khu vực và các trạm y tế xã.
Thứ tư, thực hiện tin học hóa các hoạt động của y tế cơ sở và quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe của từng người dân. Đồng bộ và kết nối hệ thống thông tin giữa y tế xã với y tế huyện để theo dõi, quản lý sức khỏe người dân trên địa bàn; xây dựng và triển khai thực hiện bệnh án điện tử; quản lý hoạt động khám, chữa bệnh và chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở y tế xã, huyện.
Thứ năm, tăng cường nguồn nhân lực, đặc biệt là số lượng bác sĩ ở trung tâm y tế huyện để bảo đảm nhân lực cho việc khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân ngay trên địa bàn; bảo đảm nhân lực cho trạm y tế xã để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, theo dõi sức khỏe đến từng người dân.
Thứ sáu, thực hiện định mức chi ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng tuyến huyện: bảo đảm đủ tiền lương và các chế độ, chính sách hỗ trợ cho viên chức y tế cơ sở an tâm công tác, phụ cấp cho nhân viên y tế thôn, ấp, khu phố; phân bổ ngân sách nhà nước, sử dụng Quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn lực khác cho y tế cơ sở theo hướng dựa trên kết quả hoạt động và các chỉ tiêu đầu ra.
Thứ bảy, bố trí ngân sách tỉnh, ngân sách các huyện, thành phố và các nguồn vốn hợp pháp khác để tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất các trạm y tế nhằm hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở của tỉnh Đồng Nai. Khuyến khích các đơn vị, địa phương xây dựng chế độ thu hút và hỗ trợ đối với viên chức, nhân viên ngành y tế tại địa phương, đơn vị.
Bằng nhiều chính sách thiết thực và đồng bộ, ngành y tế Đồng Nai đang dành mọi nguồn lực hỗ trợ tuyến y tế cơ sở, quyết tâm xây dựng tuyến y tế cơ sở trở thành thành trì vững chắc, có thể cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất ngay tại cơ sở.