Từ năm 2012, mỗi năm Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức một tọa đàm về các nhà báo nguyên là lãnh đạo cấp cao của Hội qua các thời kỳ, lần lượt là Trần Lâm, Đào Tùng, Hoàng Tùng, Hồng Chương, Lưu Quý Kỳ, Trần Công Mân, Huỳnh Văn Tiểng, Nguyễn Thành Lê, năm 2020 là nhà báo Phan Quang.
Nhà báo Phan Quang sinh năm 1928, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin; nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội; nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; nguyên Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên huấn Trung ương; nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam (Khóa V); Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam (Khóa VI); nguyên Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ), thành viên Ban lãnh đạo Liên đoàn Nhà báo ASEAN (CAJ); đại biểu Quốc hội Khóa VIII, IV, X.
Ông được ví là một trong những đại thụ của báo chí cách mạng Việt Nam, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện nói chung. Đối với các thế hệ nhà báo Việt Nam, nhà báo Phan Quang thực sự là một tấm gương điển hình, có tầm ảnh hưởng và lan tỏa nhiều giá trị nghề nghiệp, cần tuyên truyền, học tập, tri ân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ nhận định: Nói đến Phan Quang, người ta nghĩ ngay đến một chính khách, một nhà văn và dịch giả tài năng, một người hoạt động nghị trường nhiều khóa, một người thầy, người thủ trưởng gần gũi, nhân hậu, người bạn thân thiết của nhiều nhà báo, nhà văn trong nước và quốc tế.
"92 năm qua, dù ở bất cứ cương vị nào, Phan Quang luôn lao động sáng tạo, viết hàng nghìn bài phóng sự, bút ký, chuyên luận, xã luận, nghiên cứu, lý luận... góp sức làm rạng danh giới báo chí, văn nghệ Việt Nam. Đây là điểm cốt yếu để nhiều người quý mến, nể trọng, ngưỡng mộ và biết ơn ông", PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.